HỎI ĐÁP VỀ CHÍNH SÁCH CHO NLĐ
Những Quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế về Lao động
14-4-2020

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2020), Ban biên tập Trang thông tin điện tử Công đoàn tỉnh Kon Tum tóm tắt, đăng tải các quy định cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về lao động để bạn đọc tìm hiểu, những quy định đó là:

- Hiến chương ILO (1919): “Xét rằng việc cải thiện điều kiện lao động là cần kíp, với yêu cầu rằng nguyên tắc tự do liên kết được công nhận”.

- Tuyên bố Philadelphia (1944): “Hội nghị khẳng định rằng tự do liên kết là quan trọng để đảm bảo duy trì tiến bộ”.

- Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động (1998): “Tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể” nằm trong số những nguyên tắc và quyền cơ bản mà các quốc gia thành viên của ILO có nghĩa vụ “tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện”.

- Tuyên bố năm 1998 và 8 công ước cơ bản của ILO

Hội nghị lao động quốc tế lần thứ 86 họp tại Geneve tháng 6/1998 đã thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, xác định bốn nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động, bao gồm: Quyền tự do liên kết và thỏa ước lao động tập thể; Quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động; Xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em; Quyền được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Bốn quyền và nguyên tắc cơ bản trên được thể hiện trong bốn cặp công ước của ILO, gồm:

+ Công ước 87 và 98 về tự do liên kết và thỏa ước lao động tập thể (các tiêu chuẩn lao động cốt lõi);

+ Công ước 29 và 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc (các nguyên tắc và quyền lao động nền tảng);

+ Công ước 138 và 182 về xóa bỏ lao động trẻ em (các tiêu chuẩn lao động được quốc tế thừa nhận);

+ Công ước 100 và 111 về xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (các công ước nhân quyền trong LĐ).

Tính đến tháng 4 năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn 6/8 công ước cơ bản nói trên (02 công ước chưa phê chuẩn: 87 và 105). Việc phê chuẩn hay gia nhập các công ước quốc tế là công việc hệ trọng, cần có sự cân nhắc thấu đáo, sao cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm và vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, Điều 2 của Tuyên bố 1998 ILO đã khẳng định là các quốc gia thành viên ILO, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn 8 công ước này đều có nghĩa vụ phải tôn trọng, thúc đẩy và hiện thực hóa một cách có thành ý 8 công ước cơ bản này.

Từ khi được ILO thông qua năm 1998 đến nay, Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động đã được áp dụng rộng rãi trong quan hệ quốc tế, bao gồm cả quan hệ thương mại quốc tế.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tiếp cận với bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố ILO 1998 theo hai kênh chính:

Thứ nhất là ở cấp doanh nghiệp: phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu đều phải chứng minh việc doanh nghiệp tuân thủ và tôn trọng bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản này tại doanh nghiệp của mình. Việc chứng minh sự tuân thủ theo các tiêu chuẩn lao động cơ bản này là một trong những yếu tố làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại những thị trường này.

Thứ hai là thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA): việc đưa bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản vào các hiệp định thương mại tự do đang trở thành một xu hướng trên thế giới. Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã được ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội đều bao gồm những cam kết chặt chẽ về việc thực hiện bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản này.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hiểu rõ nội dung của Tuyên bố 1998 của ILO cùng với 8 công ước về bốn tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được nêu trong Tuyên bố sẽ giúp cho cơ quan nhà nước các cấp, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc xây dựng luật pháp, chính sách và đề ra các giải pháp thích hợp để chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế.

Lê Ích Dàng (LĐLĐ tỉnh)
Số lượt xem:4704