HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN
Công đoàn tỉnh Kon Tum 40 năm xây dựng và phát triển cùng với những kỳ Đại hội
5-5-2017
Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu mạnh của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum gắn liền với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của lực lượng công nhân, viên chức, lao động. Dưới ánh sáng của Đảng Cộng Sản Việt Nam và chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được thành lập góp sức cùng với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh xây dựng Kon Tum ngày càng vững mạnh. Công đoàn tỉnh Kon Tum qua 40 xây dựng và phát triển gắn liền với những kỳ Đại hội, với những phương châm, kế hoạch, nội dung, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết bám sát đời sống, việc làm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vững mạnh.
AnhMinhHoa
Ban chấp hành LHCĐ tỉnh Gia Lai - Kon Tum khóa I, nhiệm kỳ 1977-1980 ra mắt nhận nhiệm vụ

Phần thứ nhất

Công đoàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum những ngày đầu thành lập và xây dựng.

Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum Khóa I (1977-1980).

Sau ngày đại thắng mùa xuân 30/4/1975, giải phóng Miền Nam, non song thu về một mối, đất nước hoàn toàn độc lập. Thực hiện chủ trương của Khu ủy khu 5 và Liên hiệp Công đoàn khu Trung Trung Bộ, Tỉnh ủy Kon Tum đã tập trung chỉ đạo thành lập ban vận động thành lập Công đoàn tỉnh trên cơ sở tổ chức Ban công vận tỉnh và Công đoàn giải phóng. Tháng 11/1975, theo quyết định của Quốc hội, bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính và hợp nhất một số tỉnh mới, tỉnh Kon Tum được sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai – Kon Tum.

Thực hiện Nghị quyết của Tổng Công đoàn Việt Nam, ngày 27/01/1977, Tổng Công đoàn Việt Nam đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-TCĐ chỉ định Ban chấp hành Công đoàn lâm thời tỉnh Gia Lai – Kon Tum gồm 9 đồng chí, đồng chí Đông Thành (tức Phạm Văn Chất) được cử giữ chức vụ Thư ký, đồng chí Nguyễn Xuân Hồng làm Phó Thư ký. Ngày 13/4/1977, Tổng Công đoàn Việt Nam đã ra quyết định số 295/QĐ-TCĐ công nhận Ban chấp hành Công đoàn lâm thời tỉnh Gia Lai – Kon Tum gồm 11 đồng chí, đồng chí Lê Tiến Hồng được cử giữ chức vụ Thư ký, đồng chí Nguyễn Xuân Hồng làm Phó Thư ký.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Gia Lai – Kon Tum và Tổng Công đoàn Việt Nam, ngày 25-7-1977 Đại hội Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum lần thứ nhất được triệu tập, Đại hội diễn ra từ ngày 25 - 27/7/1977 tại thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Đại hội quy tụ những đại biểu Công đoàn ưu tú ở các cấp đại diện cho trên 27.000 cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ của 8 Công đoàn ngành, 10 Công đoàn huyện, thị xã và 145 Công đoàn cơ sở.

Tại Đại hội lần thứ nhất, Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum, nhiệm kỳ 1977-1980 đã bầu ra Ban chấp hành gồm 27 đồng chí. Trong đó Thư ký Liên hiệp Công đoàn là đồng chí Lê Tiến Hồng; Phó Thư ký là đồng chí Nguyễn Xuân Hồng.

Đ/c Lê Tiến Hồng - Thư ký LHCĐ tỉnh Gia Lai - Kon Tum và Đ/c Nguyễn Xuân Hồng Phó Thư ký LHCĐ tỉnh Gia Lai - Kon Tum

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung cho phong trào giai đoạn 1977-1980 là: “Tích cực giáo dục đội ngũ công nhân, viên chức và lao động không ngừng nâng cao giác ngộ giai cấp, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, nâng cao ý thức và năng lực làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Vận động tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành “3 điểm cao” sôi nổi và đều khắp, tham gia tích cực trong công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa; tích cực bảo vệ và chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và lao động; ra sức kiện toàn củng cố tổ chức, đẩy mạnh phát triển đoàn viên, tăng cường bồi dưỡng cán bộ, cải tiến mạnh mẽ phương pháp hoạt động, nâng cao năng lực tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước của công đoàn”.

Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum Khóa II (1980-1983).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum lần thứ I, nhiệm kỳ 1977-1980 gắn với công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng, chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và đấu tranh loại bỏ các thế lực phản động Fulrô, phong trào CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum không ngừng lớn mạnh; đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị và cũng cố, xây dựng tổ chức Công đoàn góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ VI (khóa IV) của Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam về xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên, chặt chẽ của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Công đoàn Việt Nam phong trào công nhân, viên chức và tổ chức Công đoàn có nhiều chuyển biến tiến bộ, góp phần tích cực vào công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế, vừa tham gia xây dựng và củng cố chính quyền chuyên chính vô sản, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Để tiếp tục lãnh đạo và phát triển phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, Đại hội đại biểu lần thứ 2 Liên hiệp Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum chính thức được triệu tập, Đại hội diễn ra từ ngày 27 - 30/7/1980 tại thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Các đại biểu tham dự Đại hội đại diện cho gần 30.000 cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và các cấp Công đoàn trên địa bàn toàn tỉnh, đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Công đoàn tỉnh gồm 35 đồng chí. Đồng chí Lê Tiến Hồng được Đại hội tính nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Thư ký liên hiệp Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum; Phó Thư ký là đồng chí Nguyễn Xuân Hồng tiếp tục tái cử.

Đại hội đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục giáo dục công nhân, viên chức nâng cao giác ngộ giai cấp; tăng cường đoàn kết; kết hợp 3 lợi ích (Nhà nước, Xí nghiệp và người lao động) phát huy tinh thần tự lực tự cường khắc phục mọi khó khăn, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, đẩy mạnh phong trào đồng khởi thi đua lao động, sản xuất và tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước; đề cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; tích cực chăm lo ổn định đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức, khẩn trương xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, không ngừng cải tiến tổ chức chỉ đạo và phương pháp công tác đáp ứng với phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới”.

Lãnh đạo tỉnh và các ngành thăm và làm việc tại Xí nghiệp đá Sao Mai

 Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum Khóa III (1983-1988).

Công đoàn đã đi sâu sản xuất, đi sát công nhân, tác động thiết thực vào thực hiện mục tiêu kinh tế, kỹ thuật và xây dựng người công nhân, viên chức xã hội chủ nghĩa gắn với quá trình kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các cấp Công đoàn, đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, viên chức và tổ chức Công đoàn trong tỉnh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II Liên hiệp Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum với những kết quả trong phong trào thi đua lao động, sản xuất và xây dựng động ngũ công nhân, viên chức lớn mạnh.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Gia Lai – Kon Tum lần thứ VIII. Thực hiện sự nhất quán chỉ đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Công đoàn Việt Nam, nhằm đánh giá lại những thành tựu và hạn chế của 5 năm thực Nghị quyết Đại hội lần thứ II Liên hiệp Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum triển khai nhiệm vụ mới trong giai đoạn 1983-1988, ngày 02 tháng 8 năm 1983 Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum lần thứ III được chính thức triệu tập.

Đại hội diễn ra từ ngày 02/8 - 5/8/1983 tại thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai – Kon Tum, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 39 đồng chí, đồng chí Lê Tiến Hồng vinh dự được Đại hội tái bầu giữ Thư ký là đồng chí Nguyễn Xuân Hồng được bầu giữ chức vụ Phó Thư ký Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum, giai đoạn 1983-1988.

Đại hội đề ra nhiệm vụ “Tập trung mọi hoạt động vào việc tổ chức phong trào thi đua lao động, sản xuất, tiết kiệm trong công nhân viên chức, khắc phục mọi khó khăn, khai thác mọi khả năng về tiềm tàng lao động, vật tư, thiết bị, thi đua vượt mức kế hoạch hàng năm; thường xuyên chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân viên chức; tăng cường giáo dục; tổ chức công nhân viên chức đấu tranh chống tiêu cực trong sản xuất và đời sống. Ra sức xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức vững mạnh, xây dựng người công nhân viên chức có thái độ lao động tự giác, có tinh thần tôn trọng và bảo vệ của công, có nếp sống văn hóa, khẩn trương kiện toàn củng cố tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương pháp hoạt động, làm cho tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh và đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới”.

Đại hội đã nêu 5 mục tiêu cụ thể giai đoạn 1983-1985 là:

1. Tổ chức phong trào thi đua vượt mức kế hoạch trong công nghiệp, góp phần tích cực vào cải tiến quản lý kinh tế, quản lý xí nghiệp.

2. Vận động phong trào công nhân, viên chức phục vụ nông nghiệp với trách nhiệm của giai cấp tiên phong, chống mọi biểu hiện tiêu cực gây phiền hà cho hợp tác xã. Hướng vào 5 khâu thủy lợi, làm đất bằng cơ giới, cung ứng vật tư, giống và cây con, bảo vệ cây trồng và vật nuôi; vận động thành phong trào liên kết phục vụ nông nghiệp ở từng huyện, xây dựng cánh đồng cao sản.

3. Đẩy mạnh việc lập lại trật tự trên mặt trận phân phối lưu thông, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức.

4. Phối hợp với các cấp, các ngành đấu tranh chống mọi hành động phá họa của địch, chống tiêu cực, bảo vệ sản xuất.

5. Tăng cường giáo dục xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức.

 Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum Khóa IV (1988-1993).

Với đường lối đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (1986) đã tạo ra những thuận lợi và thách thức cho tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ toàn quốc nói chung và công nhân, viên chức Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum nói riêng trong tình hình mới.

Tại hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh khóa III đã đề ra chương trình hành động cách mạng của tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức toàn tỉnh, nhằm từng bước triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng: “Dấy lên mạnh mẽ và thường xuyên phong trào công nhân, viên chức làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa ở mọi nơi, mọi ngành, mọi cấp, trong mọi lĩnh vực sản xuất, đời sống. Tham gia xây lắp lại lực lượng sản xuất, không ngừng hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch nhà nước”.

Tiếp thu và phát huy tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, để chuẩn bị tốt cho Đại hội lần thứ IV Công đoàn tỉnh, Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã chỉ đạo ngay từ Đại hội Công đoàn cấp cơ sở với phương châm phải chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được, nói thẳng những khuyết điểm, nguyên nhân yếu kém của phong trào công nhân, viên chức và tổ chức Công đoàn, đề ra biện pháp khắc phục thiết thực, phục vụ cho sản xuất, đời sống và xây dựng tổ chức Công đoàn. Với tinh thần đó, ngày 25/8/1988 Ban chấp hành Công đoàn khóa III đã triệu tập 289 đại biểu ưu tú đại diện cho các cấp Công đoàn trong toàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum và khai mạc Đại hội đại biểu Công đoàn Gia Lai – Kon Tum lần thứ IV, nhiệm kỳ 1988-1993 tại thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai – Kon Tum, Đại hội diễn ra từ ngày 25/8 - 27/8/1988. 

Đ/c Ka Pa Tơ - Chủ tịch Gia Lai - Kon Tum khóa IV, nhiệm kỳ 1988 - 1993

Đ/c Cù Thị Hậu - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm nhà máy Đường Kon Tum

Đại hội bầu ra Ban chấp hành Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum gồm 37 đồng chí. Trong đó đồng chí Ka Ba Tơ được bầu giữ Chủ tịch Công đoàn tỉnh; Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh là đồng chí Trương Đình Ba.

Tháng 10 năm 1988, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI được triệu tập. Đại hội đã quyết định đổi tên “Tổng Công đoàn Việt Nam” thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Các “Liên hiệp Công đoàn” tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã đổi là “Liên đoàn Lao động” tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ của các cấp công đoàn trong nhiệm kỳ mới là “phải nhanh chóng đổi mới tư duy, nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới tổ chức và cán bộ công đoàn, quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc” tập trung sức xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, tằng cường chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức, ra sức xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; Động viên, tổ chức phong trào công nhân, viên chức sôi nổi thi đua hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, góp phần thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, xây dựng cơ chế mới và cuộc vận động “làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của cán bộ Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”.

Tiếp theo Phần thứ 2. Công đoàn Kon Tum từ ngày thành lập lại tỉnh.

Ban biên tập; ảnh tư liệu
Số lượt xem:1694
Bài viết liên quan: