SỰ KIỆN - BÌNH LUẬN
Ứng viên đại biểu Quốc hội Rơ Chăm Long, Chủ tịch LĐLĐ Kon Tum “Nguyện làm một nhịp cầu trung thành, tận tụy của nhân dân”
17-5-2016
Những ngày cuối tuần, ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Kon Tum Rơ Chăm Long tiếp tục vận động bầu cử ở huyện đông Trường Sơn Kon Plông. Có điểm, như xã Ngọc Tem, trần ai cách trở, xa trung tâm tỉnh lỵ hơn 120km. Trước đó, cùng 4 ứng viên khác, ông Long đã hoàn thành tiếp xúc cử tri tại TP Kon Tum, huyện Sa Thầy. Từ nay đến hết ngày 19.5 sẽ là những chuyến đi dài tới Kon Rẫy, IaH’Rai.
AnhMinhHoa
Các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại Hội trường Ngọc Linh

Mất ngủ vì lời nhắc “chớ có hứa suông”

Bản tóm tắt chương trình hành động của ông Long dày đặt dấu viết tay. Những con chữ ghi nhanh chi chít bám bên lề hoặc chen giữa dòng văn bản đánh máy. “Thực tế cuộc sống phong phú, sinh động hơn mọi suy nghiệm. Có những vấn đề tưởng đã nghĩ “chín” hung rồi, nhưng gặp gỡ, trao đổi, tranh luận với bà con lại thấy lóe lên ánh sáng mới. Không cập nhật, không điều chỉnh nhận thức, chắc chắn sẽ lạc hậu với tình hình”, vị ứng cử viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kon Tum bày tỏ.

Thực ra, sát cơ sở là lợi thế lớn của người đàn ông Ja Rai này. Những năm làm công tác dân tộc, Rơ Chăm Long không chỉ ăn ở, lăn lộn với cộng đồng nhỏ của mình mà còn ngược xuôi hang cùng ngõ hẻm khắp dải đất cực bắc Tây Nguyên. Lo nỗi lo của người dân, buồn nỗi buồn chính họ. Chuyển sang hoạt động công đoàn, cánh cửa tiếp cận với nhịp sống muôn màu muôn vẻ của CNVCLĐ càng thêm rộng mở. Giọng ông chùng xuống: “Tiến bộ là chiều hướng không thể đảo ngược. Bên cạnh những thách thức đã được giải quyết, vẫn còn không ít món nợ chưa kịp thanh toán với người dân như việc thực hiện chế độ chính sách; khoảng cách phát triển; xung đột văn hóa, lối sống; chất lượng nguồn nhân lực; sự giảm sút niềm tin; tình trạng mất rừng, thất thoát tài nguyên; thói quen dựa dẫm, ỷ lại của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số…”.       

Lần đầu tiên ở Kon Tum, tổ chức công đoàn có cơ hội có đại diện của mình tại cơ quan quyền lực tối cao của đất nước. Ông Long nói đó là một áp lực. “Tôi lo lắm. Nếu được tín nhiệm thì phần hành gồng gánh trên vai vừa mới mẻ, vừa rất nặng nề. Sức lực một cá nhân là hữu hạn mà đòi hỏi từ thực tế cuộc sống thì đa dạng, phức tạp vô cùng. Càng ray rứt hơn, khi tận mắt thấy, tận tai nghe những câu chuyện bức xúc mà bà con rút ruột ra. Nhiều người không ngần ngại sử dụng lối tiếp cận gay gắt. Hôm họp ở Ya Xia (Sa Thầy), có cử tri đứng lên phê phán thẳng thừng: “Tôi từng dự rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri. Có đại biểu mỗi lần gặp dân thì nói hay như hát, hứa hẹn trên trời dưới đất. Có điều họ quay lưng đi là hết. Bà con chúng tôi ớn nhất kiểu hứa suông”. Chỉ bấy nhiêu mà khiến mình mất ăn mất ngủ, thấy phải có trách nhiệm hơn với từng phát ngôn, hành động, dù là nhỏ nhất. Làm sao để không phải giẫm lên sơ suất của ai đó; không tái diễn tình huống bi hài lời nói gió bay, làm hao khuyết lòng tin đối với người đã cầm lá phiếu lựa chọn tên mình”, Rơ Chăm Long kể lại. Ở TP Kon Tum, mối quan tâm của cử tri là công tác quản lý đất đai, chỉnh trang đô thị, là ô nhiễm môi trường các khu, cụm công nghiệp. Một số người dân phường Lê Lợi, xã Đoàn Kết chỉ trích bầu không khí nặng nề, độc hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất ở làng nghề H’Nor. “Cho dù được phát ra bằng thứ ngôn ngữ nào, bằng giọng điệu nào thì tất cả những ưu tư đó cũng đều xác đáng”, ông Long nhận xét.

Nếu trúng cử, chủ tịch Rơ Chăm Long cho biết, sẽ tích cực tham gia các hoạt động góp phần cùng tập thể Quốc hội hoàn thành chức năng hiến định: Xây dựng luật pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Ông phát biểu tại các cuộc tiếp xúc cử tri: “Kon Tum là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi lấy lợi ích của nhân dân, của CNVCLĐ làm chương trình hành động cá nhân. Tôi đặt mình dưới sự giám sát chặt chẽ, toàn diện và liên tục của cử tri. Trên cương vị mới, tôi cam kết sẽ làm hết sức mình cho những ưu tiên mà bà con đã đề xuất, kiến nghị: Bảo vệ rừng; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản; thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cơ hội tiếp cận điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, giải quết  công ăn việc làm cho thanh niên các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, nhất là những trường hợp được đạo tạo nghiệp vụ, chuyên môn một cách căn cơ, bài bản… Tôi cũng quan tâm đến việc hoàn thiện công cụ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động; nâng cao vị thế, hiệu quả họat động của tổ chức công đoàn; trang bị kiến thức pháp luật cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước».                    

Quyết liệt bảo vệ người lao động

Quê hương, gia đình là nền tảng, là đôi cánh nâng đỡ từng bước trưởng thành của Rơ Chăm Long. Mô Rai anh hùng là cái tên kiên cường, sáng chói của cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất tổ quốc. Cha Long, ông A MLinh, một thời là lãnh đạo chủ chốt của huyện biên giới Sa Thầy. Long (hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) mở điện thoại cho tôi đọc bài thơ “Chiếc gùi của mẹ” ông viết đã lâu. Những câu thơ nhọc nhằn, khấp khễnh, chân thành và lay động. Nhiều thầy cô làm việc ở Trường Nội trú dân tộc Kpă Klơng những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn nhớ cậu học trò tiểu học người Ja Rai nhỏ nhắn, đen đúa mà ngập tràn ý chí. Năm học 1984 – 1985, Long được chọn là đại biểu của Gia Lai – Kon Tum tham dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc. Lớn lên, đi làm, di chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác, ở đâu, việc gì,  Rơ Chăm Long cũng lưu lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp ấn tượng tốt đẹp về sự chân thành, khả năng xử lý công việc tập trung, kiên trì và nỗ lực.

Kon Tum là tỉnh nghèo, số lượng CNVCLĐ không lớn. Toàn tỉnh có 1.049 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhà nước có 40 đơn vị. Tính đến đầu năm 2016, tổng số CNVCLĐ chỉ có 42.814 người; số đoàn viên công đoàn là 33.933 người. Tuy vậy, tổ chức công đoàn đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong đời sống xã hội; tiếng nói công đoàn ngày càng có tác động mạnh mẽ hơn. Dấu ấn công đoàn đặc biệt rõ ở những hoạt động hướng về cơ sở hay việc quyết liệt theo đuổi mục tiêu bảo vệ lợi ích của người lao động. Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ Kon Tum Lê Ích Dàng dẫn một loạt vụ việc hãy còn nóng hổi như lần giải quyết vụ kỷ luật viên chức tại huyện ĐăkGlei, vụ ngừng việc tập thể tại Cty TNHH Tinh bột sắn Sa Thầy, Cty TNHH vận tải H&H Kon Tum (Sun taxi), Cty sản xuất vật liệu xây dựng Kon Tum, Nông trường cao su Đăk Hring… “Đương nhiên là công sức, tâm huyết tập thể, là kết quả phối hợp với các địa phương, đơn vị, song để đi đến cùng theo tinh thần tất cả vì lợi ích người lao động, đóng góp của anh Long là rất quan trọng. Sun taxi từ chỗ “trắng” tổ chức công đoàn, vi phạm pháp luật lao động như không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động; không ký thỏa ước lao động tập thể; không có cả kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động… đến nay, đã vận hành bình thường với một CĐCS 70 thành viên. Ở Nông trường Đăk Hring, khi  chủ trì kiểm tra vụ tranh chấp lao động gay gắt, kéo dài, LĐLĐ tỉnh đã dứt khoát kiến nghị Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo thanh tra toàn diện hoạt động doanh nghiệp theo kiến nghị của công nhân…”.

Tiếp nối mạch chuyện về áp lực trên vai một đại biểu Quốc hội, Rơ Chăm Long sôi nổi: “Điều quan trọng là tâm thế sẵn sàng hợp tác, là thái độ trung thực, chân thành, cầu thị. Một đại biểu của dân nghĩa là thường trực đối mặt với trăm ngàn câu hỏi, trăm ngàn tình huống, trăm ngàn thúc ép. Có việc nằm trong khả năng, quyền hạn xử lý của mình, cũng có việc cần tới cấp cao hơn, thậm chí là liên ngành, đa ngành, là Nhà nước, Chính phủ. Được ủng hộ, tôi nguyện làm chiếc cầu tận tụy, trung thành và vô vụ lợi, kết nối, chuyển tải đầy đủ nguyện vọng, ý chí của người dân tới các cơ quan quyền lực của đất nước. Tôi kêu gọi sự tin cậy nơi cử tri và thực sự muốn được trao cơ hội”.

Bài viết: Xuân Nhàn (Báo Lao động)
Số lượt xem:5378
Bài viết liên quan: