HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN
Một số vấn đề cần lưu ý trong tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp
21-9-2017
Hiện nay các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai tổ chức đại hội công đoàn cấp cơ sở, đồng thời chuẩn bị nội dung, nhân sự để tổ chức đại hội công đoàn cấp trên cơ sở theo quy định, hướng dẫn.
AnhMinhHoa
Các đại biểu dự Đại hội quyết nghị nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cho nhiệm kỳ mới

Thực hiện Kế hoạch số 04/KH-LĐLĐ ngày 08/02/2017 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum về tổ chức đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội X Công đoàn tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2013-2018. Hiện nay các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai tổ chức đại hội công đoàn cấp cơ sở, đồng thời chuẩn bị nội dung, nhân sự để tổ chức đại hội công đoàn cấp trên cơ sở theo quy định, hướng dẫn.

Qua theo dõi, tham dự tại một số công đoàn cơ sở được cấp trên trực tiếp chọn tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm đối với các cơ sở còn lại về công tác chuẩn bị và công tác tổ chức, điều hành đại hội nhằm đạt kết quả cao nhất. Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI hiện hành, nhiệm kỳ hoạt động của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở là 5 năm, tương đương thời gian nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên cơ sở, vì vậy công tác chuẩn bị cho đại hội Ban Chấp hành, Ban Tường vụ (BCH, BTV) công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở, phải nghiên cứu kỹ Điều lệ, các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời phát huy vai trò của tập thể BCH, BTV để tổ chức thành công đại hội.

Trong quá trình tổ chức đại hội, việc điều hành của Đoàn Chủ tịch đại hội giữ vai trò cực kỳ quan trọng, vừa đảm bảo nguyên tắc theo quy định, vừa phải tạo được không khí đại hội thực sự nghiêm trang, dân chủ, đoàn kết, tham gia thảo luận sối nổi, phát huy trí tuệ của tập thể, khơi gợi tinh thần hào hứng của đoàn viên khi tham dự đại hội. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tổ chức đại hội các cấp vẫn còn một số vấn đề vấp váp, chưa suôn sẻ, mạch lạc khi điều hành chương trình, kịch bản, và một số vấn đề khác, làm ảnh hưởng đến thời gian, không khí đại hội trở nên trầm lắng…

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của đại hội, trước hết đòi hỏi công tác chuẩn bị của BCH, BTV công đoàn cấp triệu tập đại hội phải nghiên cứu kỹ Điều lệ; các văn bản hướng dẫn thi hành; sách những điều cần biết về Đại hội công đoàn các cấp; đồng thời phải có sự chuẩn bị thật chu đáo, cẩn thận, phân công cũng như dự kiến những phương án, con người cụ thể với những phần việc phù hợp và khả năng thực hiện với chất lượng tốt nhất. Kịch bản điều hành của Đoàn Chủ tịch đại hội phải hết sức chặt chẽ, thực hiện theo đúng trình tự và liên tục, những vấn đề phát sinh trong quá trình diễn biến của đại hội phải được thống nhất nhanh, đưa ra giải pháp phù hợp, nếu vấn đề khó, vượt khả năng thì xin ý kiến chỉ đạo của Đại biểu cấp ủy đơn vị và công đoàn cấp trên dự, chỉ đạo đại hội để được định hướng, chỉ đạo giải quyết.

Đại hội Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2017 - 2022

Trong công tác điều hành bầu cử tại đại hội cần chú ý, chỉ bầu Ban bầu cử sau khi đã chốt được danh sách ứng cử, đề cử để bầu BCH khóa mới; tương tự, khi bầu cử đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên cũng phải thực hiện đúng quy trình này; tuyệt đối không được giới thiệu Ban bầu cử trước hoặc cùng một lúc với giới thiệu danh sách để bầu cử (danh sách ứng cử, đề cử). Việc sử dụng một Ban bầu cử cho công tác bầu cử BCH và bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên cần tuân thủ nguyên tắc dân chủ, quyền của đại biểu, cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên trong Ban bầu cử được đại hội tín nhiệm. Cụ thể: đoàn chủ tịch Đại hội phải xin ý kiến đại hội về số lượng Ban bầu cử, danh sách các thành viên Ban bầu cử sau khi đã chốt được danh sách các ứng cử, đề cử để đại hội bầu. Thực tế đã có trường hợp, ngay trong phần giới thiệu Ban bầu cử để làm nhiệm vụ bầu cử BCH, nhưng đã xin ý kiến để Ban bầu cử làm luôn nhiệm vụ bầu cử đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên, như vậy là đã không đúng, vi phạm quyền dân chủ của đại biểu dự đại hội. Vì đại biểu có quyền ứng cử và được quyền đề cử tại đại hội, nếu giới thiệu vào danh sách Ban bầu cử thì lại bị hạn chế quyền này. Thành viên Ban bầu cử không thể là người có tên trong danh sách ứng cử, đề cử. Nếu các thành viên Ban bầu cử khi thực hiện nhiệm vụ bầu BCH mà chất lượng thực hiện có phần lúng túng, chậm chạp, thì Đoàn Chủ tịch đại hội phải cân nhắc, có nên đề xuất với đại hội sử dụng lại để thực hiện các lần bầu cử sau đó hay không.

Việc điều hành thảo luận trong đại hội cũng cần lưu ý, vai trò của Đoàn Chủ tịch ngoài nhiệm vụ khơi dậy tính dân chủ của đại biểu dự đại hội, lắng nghe, tiếp thu ý kiến tham luận, góp ý của các đại biểu dự đại hội, cũng cần phải có định hướng những nội dung trọng tâm mà báo cáo chính trị đại hội đã đề cập, tránh thảo luận, góp ý, đưa ra vấn đề thiếu tập trung. Việc giải đáp những góp ý, thảo luận phải trọng tâm, đi thẳng vào nội dung vấn đề được đại biểu nêu ra.

Nghị quyết đại hội được thư ký ghi chép, tổng hợp và công bố công khai, các ý kiến góp ý trong đại hội, nhất là các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện cho nhiệm kỳ mới phải cụ thể, rõ ràng, không chung chung. Sau khi thư ký báo cáo dự thảo nghị quyết, đoàn chủ tịch phải điều hành biểu quyết thông qua. Trước khi xin đại hội biểu quyết, đoàn chủ tịch phải xin ý kiến đại hội về hình thức biểu quyết: biểu quyết một lần cho toàn văn nghị quyết, hay biểu quyết từng chỉ tiêu cụ thể? Nếu biểu quyết một lần cho toàn văn dự thảo nghị quyết thì đoàn chủ tịch phải chọn những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận để đại hội xem xét làm rõ, thống nhất trước khi quyết định.

Phần ra mắt BCH, đoàn đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên và Ủy Ban kiểm tra (nếu có) phải được giới thiệu ra mắt nhận nhiệm vụ cùng một lúc, tránh tổ chức thành nhiều lần mất thời gian của đại hội. Tiếp theo là phần khen thưởng, tri ân các đồng chí trong BCH khóa cũ không tái cử nhiệm kỳ mới (nếu có) và cuối cùng là bế mạc đại hội.

Bài viết: Minh Hòa; ảnh: PV
Số lượt xem:2059
Bài viết liên quan: