CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT - QHLĐ
Một số giải pháp nâng cao chất lượng tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đình công của Công đoàn tỉnh Kon Tum trong tình hình mới
10-11-2021

Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tranh chấp lao động (TCLĐ) và đình công của người lao động (NLĐ) diễn ra ít, nhỏ lẻ, mức độ phức tạp không lớn, chủ yếu chỉ diễn ra trong phạm vi doanh nghiệp. Nội dung TCLĐ và đình công chỉ xoay quanh ở lĩnh vực nhằm giải quyết “quyền lợi” giữa một bên là cá nhân NLĐ với NSDLĐ hoặc quyền lợi của một nhóm NLĐ với NSDLĐ đã được pháp luật quy định.

Về TCLĐ trong gần 10 năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ tỉnh) nhận đơn và tham gia giải quyết 05 vụ TCLĐ (01vụ TCLĐ về hợp đồng lao động; 03 vụ TCLĐ về giải quyết chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thấp nghiệp và 01 vụ kỷ luật buộc thôi việc giáo viên công tác trên địa bàn tỉnh) và 03 vụ đình công đòi quyền lợi của NLĐ (cả 03 vụ đình công này đều tự phát và không được phép đình công theo quy định pháp luật). Điểm đáng mừng là tất cả các vụ TCLĐ và đình công nêu trên, khi LĐLĐ tỉnh nhận được đơn thư khiếu nại của NLĐ hoặc nắm được thông tin xảy ra đình công đều được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với các ngành chức năng và NSDLĐ giải quyết thấu tình, đạt lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

(ảnh: Toàn cảnh hội nghị tuyên truyền, phổ biến phát luật Lao động; Bảo hiểm tại huyện Đăk Hà)

Mức độ TCLĐ và đình công tuy không gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhưng cũng đã làm xấu đi hình ảnh, uy tín của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, NSDLĐ, NLĐ và tổ chức đại diện tập thể người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp đã để xảy ra TCLĐ và đình công. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TCLĐ và đình công là do NSDLĐ chưa thực hiện nghiêm chế độ chính sách đã được pháp luật quy định đối với NLĐ. Bên cạnh đó cũng cần thẳng thắn nhìn nhận các nguyên dẫn đến yếu kém nêu trên là do: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan trực tiếp đến lao động, công đoàn của các ngành chức năng (trong đó có tổ chức công đoàn) còn nhiều hạn chế. Phần đông NLĐ xuất thân từ nông thôn nên nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật để tự bảo vệ mình còn hạn chế; khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm không nắm rõ quy trình, phương pháp để đòi quyền lợi nên dễ dẫn khiếu kiện, thậm chí tụ tập lãn công, đình công. Công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực pháp luật về Lao động, Công đoàn, Bảo hiểm chưa được đầu tư và quan tâm đứng mức, có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm.

Để thực hiện tốt chức năng số một - chức năng thiên bẩm của tổ chức công đoàn là “Đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” theo quy định tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn  năm 2012. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TCLĐ và đình công, trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ và các giải pháp sau:

Phát huy tối đa nội lực của tổ chức công đoàn, trên cơ sở tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên để hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao chất lượng tham gia giải quyết TCLĐ và đình công, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tình hình mới.

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, hiểu biết kiến thức pháp luật cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ và NSDLĐ.Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Lao động, Việc làm, Công chức, Viên chức, An toàn vệ sinh lao động, Công đoàn, BHXH, BHYT, BHTN,... làm cho NLĐ hiểu và nắm được pháp luật để tự bảo vệ mình khi các quyền và lợi bị xâm phạm. Cán bộ công đoàn am hiểu pháp để thực hiện tốt chức đại diện, bảo vệ NLĐ, bảo vệ cơ quan, đơn vị doanh nghiệp; Tham gia giải quyết có chất lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, TCLĐ và đình công; Tham gia đối thoại, đàm phán thương lượng tập thể; Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ. NSDLĐ thông suốt, nắm vững luật để thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với NLĐ.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đủ mạnh để làm tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Nâng cao nhận thức và năng lực của người đứng đầu các cấp công đoàn về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ; Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp; Xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ cốt cán công đoàn cấp trên cơ sở để thực hiện tốt công tác tư vấn pháp luật, đối thoại, thương lượng tập thể, tham gia giải quyết TCLĐ và đình công.

- Đẩy mạnh công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội theo quy định của pháp luật và Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tiêu biểu xuất sắc và phê bình những tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Bài viết: Lê Ích Dàng - PCT LĐLĐ tỉnh
Số lượt xem:2472
Bài viết liên quan: