CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT - QHLĐ
Những điểm mới cơ bản của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
17-5-2022

Những điểm mới cơ bản của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2022. Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 07 chương, 74 điều, quy định các nội dung cơ bản như: những quy định chung; thực hiện dân chủ: ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thanh tra nhân dân; trách nhiệm tổ chức thực hiện; điều khoản thi hành. Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu với bạn đọc Trang thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, như sau:

1. Một số điểm mới trong quy định chung:

 Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động  (CBCCVCNLĐ) trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, và nghĩa vụ của công dân, CBCCVCNLĐ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Một số điểm mới trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn:

- Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; 

- Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã với Nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội; 

- Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp,...;  

- Quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố từ UBND cấp huyện sang UBND cấp xã;

- Bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành; 

- Quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát.

3. Một số điểm mới trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị:

Dự thảo Luật bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

3. Một số điểm mới về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp:

Dự thảo Luật bổ sung nội dung người lao động (NLĐ) được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục NLĐ kiểm tra và giám sát.

4. Một số điểm mới về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở:

- Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; 

- Quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; 

- Quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; 

- Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở; 

- Quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và nhất là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 5. Một số điểm mới về Thanh tra nhân dân

 Bổ sung chế định Thanh tra nhân dân hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng kế thừa hầu hết các quy định còn phù hợp; sửa đổi quy định về số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân cấp xã tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 người.

Bài viết: Lê Ích Dàng - PCT LĐLĐ tỉnh
Số lượt xem:2129
Bài viết liên quan: