Nếu trước đây công tác giám sát và phản biện xã hội ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chỉ diễn ra đơn tuyến, kết quả giám sát không cao thì năm 2021, LĐLĐ tỉnh Kon Tum đã đổi mới công tác giám sát và phản biện xã hội nên đã đạt được kết quả nhất định.
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Kon Tum xác định công tác kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội là một trong những hoạt động quan trọng. Vì vậy Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chú trọng công tác giám sát ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở LĐ-TB&XH,.. tổ chức giám sát tình hình thực hiện pháp luật về công chức, viên chức, lao động, công đoàn, Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
(toàn cảnh hội nghị phổ biến pháp luật tại huyện Đăk Hà)
- Phóng viên: Thưa ông, LĐLĐ Kon Tum đã thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị như thế nào?
Ông Lê Ích Dàng: Trong năm 2021, các cấp Công đoàn ở Kon Tum đã tổ chức giám sát tại 91 đơn vị, doanh nghiệp (LĐLĐ tỉnh giám sát 11 đơn vị; các cấp Công đoàn giám sát 80 đơn vị); tổng số đoàn viên và người lao động (NLĐ) tại 91 đơn vị được giám sát là 3.856 người. Các đơn vị được giám sát đã thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách đối với NLĐ.
Nhưng trước đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chúng tôi vẫn tiến hành giám sát ở các đơn vị, cơ quan doanh nghiệp theo đúng yêu cầu và số lượng chỉ tiêu được giao. Thế nhưng do thực hiện giám sát đơn tuyến và không có buổi làm việc với các huyện nên các nội dung kết quả giám sát thường không được các cơ quan, đơn vị lưu tâm. Thậm chí khi chúng tôi gửi kết quả thông báo giám sát thì nhiều nơi không đọc, không quan tâm.
Vì vậy kết quả giám sát không mang lại hiệu quả, không giải quyết được vấn đề. Chúng tôi nhận thấy rằng việc tổ chức giám sát đơn tuyến chưa có sự vào cuộc chỉ đạo của các cơ quan ban ngành nên đã gây lãng phí và mất nhiều thời gian cho công tác giám sát.
PV: Với hoạt động giám sát ít mang lại hiệu quả như vậy, LĐLĐ tỉnh Kon Tum đã có những giải pháp để thay đổi như thế nào?
Ông Lê ích Dàng: Trước tình hình đó Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo cho ban chuyên môn tìm giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội. Trong năm 2021 Công đoàn Kon Tum đã có sự thay đổi. Trước khi thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội chúng tôi xây dựng kế hoạch, trình và xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy từ cuối năm trước. Trong kế hoạch giám sát chúng tôi yêu cầu phối hợp và thành lập đoàn giám sát liên ngành do Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh làm trưởng đoàn. Đoàn liên ngành gồm có Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Trước khi đoàn liên ngành xuống giám sát cơ sở, chúng tôi đến báo cáo kế hoạch giám sát với Huyện ủy, UBND huyện, sau đó trực tiếp xuống cơ sở để giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, công đoàn, BHXH, thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,...
Sau khi giám sát xong, đoàn sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo huyện. Chúng tôi mời lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, và các phòng, ban liên quan của huyện, LĐLĐ huyện dự. Đoàn giám sát liên ngành sẽ yêu cầu huyện báo cáo tình hình thực hiện pháp luật lao động, Công đoàn, BHXH, thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ,... trên địa bàn.
Thông qua việc giám sát, đoàn liên ngành cũng sẽ báo cáo tình hình ở cơ sở để lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các phòng, ban liên quan của huyện nắm bắt những việc làm được và những việc còn hạn chế. Từ đó, Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan ban ngành ở huyện sẽ chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, yếu kém.
Sau khi kết thúc kiểm tra, chúng tôi tổng hợp kết quả giám sát ở tất cả các huyện và gửi báo cáo cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời gửi thông báo giám sát đến các huyện để các cơ quan này có chỉ đạo kịp thời.
V: Xin ông cho biết, sau khi thay đổi hoạt động giám sát thì có gì khác biệt và hiệu quả ra sao.
Ông Lê Ích Dàng: Với cách giám sát này, khi có đơn vị nợ đọng BHXH, chúng tôi kiến nghị với Huyện ủy, UBND huyện, và Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo khắc phục ngay việc nợ đọng BHXH, BHYT,... Điều này cũng tránh được nợ đọng kéo dài. Hoặc những vấn đề hợp đồng lao động, thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ không đúng quy định pháp luật thì các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ yêu cầu doanh nghiệp chấn chỉnh, khắc phục. Hiệu quả mang lại tức thì vì có sự tham gia chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cũng như của người sử dụng lao động. Từ đó, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ được đảm bảo.
PV: Theo ông, đội ngũ tham gia hoạt động giám sát cần có những phẩm chất và năng lực như thế nào ?
Ông Lê Ích Dàng: Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, nó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn tại cơ quan, đơn vị. Vì vậy đội ngũ tham gia đoàn giám sát là những người có bản lĩnh và am hiểu về chính sách pháp luật. Ví dụ tham gia đoàn giám sát, đại diện LĐLĐ tỉnh là một đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách mảng chính sách, pháp luật và các ban chuyên môn.
Đối với đại diện các sở, ban, ngành chúng tôi cũng yêu cầu cử những đồng chí có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm để tham gia việc này. Bên cạnh đó chúng tôi cũng chọn những người có đạo đức nghề nghiệp, công tâm trung thực, khách quan và mạnh dạn đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật để tham gia đoàn giám sát liên ngành.
Đối với những cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát chúng tôi luôn yêu cầu tự học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414430 Số người online: 360 |
Phát triển:TNC |