CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Sự ra đời của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam
25-7-2018
Trải qua 89 năm hoạt động, với 11 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam đã đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn mang bản chất giai cấp công nhân, luôn phấn đấu vì lợi ích của người lao động, của đất nước.
AnhMinhHoa

Trước thế kỷ XV, Việt Nam chưa có những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công, thương nghiệp, nhưng đã có tầng lớp thợ thủ công và thương nhân. Sang thế kỷ XVI, đội ngũ những người lao động làm thuê đã xuất hiện. Đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, biến nước ta thành thuộc địa nửa phong kiến, nơi tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài nguyên và bóc lột nhân công rẻ mạt của chúng.

Sau khi đặt ách thống trị lên toàn bộ nước ta, vào đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp cấu kết với bọn phong kiến tay sai tiến hành khai thác các hầm mỏ, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, mở các tuyến đường, mở các đồn điền trồng cây công nghiệp,…từ đó, nước ta có một lớp người lao động mới ra đời – đó là những công nhân làm thuê, phần lớn tập trung ở các thành phố, các khu công nghiệp. Năm 1906 nước ta có khoảng 5 vạn công nhân. Đến cuối năm 1929, tổng số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp của tư bản Pháp là hơn 22 vạn người, trong đó có 5,3 vạn thợ mỏ; 8,6 vạn công nhân các ngành công thương nghiệp. Đó là chưa kể đến những người lao động làm việc ở xí nghiệp thủ công lớn, nhỏ, thợ may, thợ giặt, bồi bếp, khuân vác ở hải cảng.

Bị thực dân Pháp bóc lột nặng nề, công nhân Việt Nam đã đấu tranh chống lại. Chính trong quá trình đấu tranh, công nhân đã dần nhận thấy cần phải tự tổ chức nhau lại để đấu tranh giành và bảo vệ quyền lợi thiết thân. Hội Ái hữu đầu tiên được công khai thành lập theo Quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ vào năm 1906. Từ 1907, tại Hà Nội và một số nhà máy, hầm mỏ Bắc Kỳ, Trung Kỳ đã xuất hiện các hội Ái hữu.

Ở nước ngoài, qua hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ mối quan hệ giữa cách mạng ở chính quốc và thuộc địa. Năm 1922, Người tham gia thành lập Hội Ái hữu những người lao động chân tay Đông Dương ở Pháp. Năm 1925 có thêm Hội những người lao động trí óc Đông Dương. Đến năm 1927, ở Mác – xây, thủy thủ lập ra Hội bênh vực lao động An Nam.

Những công nhân, thủy thủ từng hoạt động ở nước ngoài đã đem kinh nghiệm tổ chức công hội về nước để lập ra các công hội mới. Tiêu biểu nhất là sự ra đời của Công hội Ba Son do Tôn Đức Thắng thành lập.

Năm 1926, Tôn Đức Thắng bắt liên lạc được với Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Theo chỉ đạo của Người, các hội viên Thanh niên đã tỏa đi thâm nhập các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ, xí nghiệp tổ chức ra các Công hội cách mạng của giai cấp công nhân.

Những năm 1928 – 1929, chủ nghĩa Mác Lênin được truyền bá sâu rộng vào Việt Nam đã làm cho phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển của phong trào cách mạng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng để đưa phong trào tiếp tục đi lên.

Tháng 6/1929, đại biểu từ các tổ chức cộng sản được thành lập ở các tỉnh Bắc Kỳ đã họp tại số nhà 312 Khâm Thiên, Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị đã thông qua chính cương, tuyên ngôn, điều lệ của Đảng, thừa nhận đường lối của Quốc tế Cộng sản, xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với cách mạng Việt Nam.

Ngày 28/7/1929, theo Quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất, họp tại nhà số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do Nguyễn Đức Cảnh phụ trách và các ủy viên như Trần Hồng Vận, Trần Văn Các, Nguyễn Văn Đoãi, Nguyễn Huy Thảo...Đại hội quyết định xuất bản “Báo Lao động” làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí “Công hội đỏ” làm cơ quan lý luận của Công hội đỏ trong giai cấp công nhân. Với sự xuất hiện của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, có điều lệ, có tờ báo là cơ quan tuyên truyền vận động thống nhất trong phong trào công nhân nước ta.

Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình phát triển của phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam. Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ là kết quả tất yếu của phong trào công nhân, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1983, Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày khai mạc Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, làm ngày kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam.

Ngay từ khi thành lập, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn sát cánh cùng phong trào cách mạng của GCCN, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, GCCN và tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã động viên CNVCLĐ vừa lao động, vừa phụ vụ chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng Mùa xuân năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất, Công đoàn Việt Nam cùng với người lao động và nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, khôi phục sản xuất, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Ngày nay, Công đoàn Việt Nam đang triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia “Lao động gỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo vệ sinh lao động”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “An toàn giao thông”, “Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” v.v.v được thực hiện sôi nổi, rộng khắp. Nhằm chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động chương trình Mái ấm Công đoàn, thu hút mọi nguồn lực xã hội, hỗ trợ kinh phí cho hàng nghìn CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa, xây dựng nhà ở. Cùng với đó, chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì Ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa ra đời trong bối cảnh NLĐ trên biển gặp khó khăn về mọi mặt. Đặc biệt, “Tháng Công nhân” hằng năm và kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), nhiều công đoàn ngành và LĐLĐ địa phương đã có các hoạt động thiết thực, như Chương trình đồng hàng cùng NLĐ, cùng CNLĐ vượt khó, ở đâu khó ở đó có Công đoàn, Tết sum vầy, Tết lao động v.v.v được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký với các tập đoàn, tổng công ty là hoạt động rất có ý nghĩa, nhằm chăm lo, cải thiện đời sống đoàn viên công đoàn và NLĐ, cũng như góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đề án xây dựng Thiết chế Công đoàn theo Quyết định số 655/QĐ-TTg, đang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực triển khai. Tại mỗi thiết chế, Tổng Liên đoàn sẽ đầu tư xây dựng khu nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa thể thao để tạo điều kiện nâng cao đời sống đoàn viên, công nhân lao động. Đề án sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2018), triển khai 10 thiết chế tại các địa phương; giai đoạn 2 (năm 2018-2020) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế CĐ tại các KCN-KCX; giai đoạn 3 phấn đấu tất cả các KCN-KCX trên cả nước đều có thiết chế của CĐ…sẽ góp phần bảo đảm nhà ở cho đoàn viên, người lao động.

Thực tiễn 89 năm hoạt động đã chứng tỏ Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động. Công đoàn Việt Nam là thành viên nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chỗ dựa vững chắc cho Đảng và Nhà nước và đã đóng góp xứng đáng vào trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, xứng đáng với lòng tin yêu của toàn Đảng, toàn dân./.

Nguồn: Tổng hợp của Ban Biên tập
Số lượt xem:22241
Bài viết liên quan: