GIỚI THIỆU MÔ HÌNH CÁCH LÀM HIỆU QUẢ
Ngành Y tế tỉnh Kon Tum với công tác đảm bảo An toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động
28-3-2016
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người lao động luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng và đầu tư thích đáng nhằm nâng cao sức khỏe, tăng năng suất lao động góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Sự quan tâm này được thể hiện ở Bộ Luật Lao động, các văn bản pháp quy và các tiêu chuẩn vệ sinh lao động đã được ban hành.
AnhMinhHoa
Toản cảnh hội nghị tập huấn về công tác chăm sóc sức khỏe

            Con người là vốn quý của xã hội, sức khỏe là tài sản vô giá của mọi người. Đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe người lao động, một sự đầu tư chưa có lợi nhuận trước mắt nhưng trong tương lai sẽ là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, với nền công nghiệp ngày càng phát triển và công nghệ kỹ thuật ngày càng tiên tiến, hiện đại thì càng có nhiều những nguy hiểm mới và các yếu tố độc hại mới xuất hiện và càng gây ra nhiều bệnh liên quan đến nghề nghiệp của người lao động. Do vậy, công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho người lao động không còn là công tác quản lý đơn thuần mà còn là công tác khoa học kỹ thuật và công tác xã hội cần có sự tham gia tích cực của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và của chính người lao động.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư, triển khai các hoạt động để đưa công tác vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động của tỉnh ngày càng phát triển và đạt được một số kết quả quan trọng.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động bằng các hình thức phù hợp, thiết thực nhân “Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ” hàng năm; viết bài đăng trên Báo Sức khỏe Kon Tum, trang thông tin điện tử Sở Y tế; văn bản chỉ đạo truyên truyền về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho các cơ sở lao động; tổ chức nói chuyện về bệnh nghề nghiệp; mở các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động- phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên ngành y tế; các lớp tập huấn phòng chống bệnh nghề nghiệp và sơ cấp cứu cho các tổ trưởng các tổ, đội sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề trên địa bàn.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát môi trường lao động cho 65 cơ sở (trong đó 56 cơ sở do tuyến tỉnh thực hiện và 09 cơ sở do tuyến huyện thực hiện); Đo môi trường lao động cho 26 cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh và 05 cơ sở y tế. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ là 115 cơ sở với số lượng là 6.762 người. Thông qua kết quả phân loại sức khỏe đã đề xuất với các cơ sở sắp xếp lao động phù hợp với sức khỏe hiện tại của người lao động; tổ chưc khám bệnh nghề nghiệp cho 06 cơ sở lao động và đã phát hiện 01 trường hợp mắc viêm gan vi rút do nghề nghiệp, đã được hướng dẫn các thủ tục và giới thiệu chuyển Hội đồng Giám định y khoa Đà Nẵng để giám định.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động vẫn còn những khó khăn, thách thức lớn, đó là: Do bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động suy giảm nên công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp chưa được người sử dụng lao động quan tâm đầy đủ. Số cơ sở sản xuất thực hiện công tác thống kê báo cáo định kỳ; lập hồ sơ vệ sinh lao động; hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động vẫn còn thấp. Việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân chưa được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Công tác chăm sóc sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động phần lớn chỉ dừng lại ở việc khám phân loại sức khỏe, chưa triển khai khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Tại các huyện của tỉnh, không có kinh phí hỗ trợ để triển khai chương trình, đồng thời chuyên trách công tác y tế lao động tuyến huyện kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế khác nên chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ của mình. Vì vậy, số đơn vị quản lý của tuyến huyện còn rất thấp. Công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế, nhận thức của người lao động về nguy cơ và bệnh nghề nghiệp chưa sâu rộng; công tác quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuát, các làng nghề chưa đi vào chiều sâu. Công tác chăm sóc sức khoẻ người lao động nông nghiệp thực sự là vấn đề còn bỏ ngỏ...

            Để đẩy mạnh công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp của tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện một số hoạt động sau: Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác an toàn- vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp ở các tuyến; tiếp tục chỉ đạo và định hướng cho tuyến huyện triển khai tốt công tác vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và đặc biệt là công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan trong việc kiểm tra, giám sát môi trường lao động để giúp các cơ sở lao động cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Không ngừng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác y tế lao động ở các tuyến. Tăng cường công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Bài và Ảnh: Ngô Anh
Số lượt xem:1691
Bài viết liên quan: