HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN
Thủ tướng Chính phủ đặt niềm tin tuyệt đối ở tổ chức công đoàn
26-9-2018
Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, chương trình "Diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII" đã diễn ra với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
AnhMinhHoa
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN được triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, góp phần chăm lo tốt hơn cho người lao động. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương đã định kỳ đến với công nhân lao động, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại về những vấn đề lớn mà người lao động đang thực sự bức xúc, quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất" trên cơ sở đề xuất của Tổng LĐLĐVN, hỗ trợ Tổng LĐLĐVN một phần kinh phí xây dựng các thiết chế.

Chính phủ và Tổng LĐLĐVN đã phối hợp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, tạo sức lan tỏa, đạt kết quả tốt.

Thủ tướng trân trọng Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động trước bối cảnh tình hình mới, mang lại lợi ích thiết thực và bảo vệ quyền lợi người lao động; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, giác ngộ, tham gia xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Nói về những thách thức, khó khăn của đất nước; chia sẻ với khó khăn của người lao động, Thủ tướng thẳng thắn, chúng ta cần nhận rõ những khó khăn, thách thức, nguy cơ để dũng cảm vượt qua bằng tinh thần, trí tuệ Việt Nam, bằng bản lĩnh người đảng viên, đoàn viên công đoàn cách mạng. Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chống phá, "diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch", "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Đó là nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng, chính quyền. Nguy cơ về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển đảo trước âm mưu, thủ đoạn các nước lớn.Trong khi đó, một bộ phận người dân, trong đó có công nhân, viên chức, lao động thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần; phần lớn công nhân phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống.Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội còn nhiều; các thiết chế phục vụ công nhân thiếu trầm trọng.

Những khó khăn trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn của một bộ phận công nhân, viên chức, lao động và tự thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó. “Làm thế nào để đất nước ta nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững, để thực sự sánh vai với các cường quốc năm châu như di nguyện của Bác Hồ? Làm gì để người dân nói chung, trong đó có công nhân lao động không còn khó khăn, vất vả, không còn nghèo nàn và lạc hậu – là những câu hỏi lớn canh cánh trong lòng bao người dân Việt Nam yêu nước. Là người đứng đầu Chính phủ, câu hỏi đó với cá nhân tôi càng thiết tha, thúc giục biết nhường nào. Cả nước ta đang trên hành trình tiếp tục đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mang tính thời đại đó, nhưng có một điều tôi tin là toàn thể đại hội sẽ thống nhất cao, rằng tất cả mọi người dân Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm trả lời câu hỏi đó.

Nó đòi hỏi nỗ lực của tất cả chúng ta, không ai ngoài cuộc, dù người đó là bác nông dân cày sâu - cuốc bẫm, là chị công nhân làm việc ở một xưởng may, là nhà khoa học trong các phòng nghiên cứu, là em học sinh còn cắp sách tới trường. Tất cả cùng chung tay hành động, trong đó lực lượng công nhân, viên chức, lao động phải giữ vai trò tiên phong, nòng cốt”,

Thủ tướng mong muốn, công nhân, viên chức, lao động cả nước mỗi người một tay, góp sức chung tạo thành sức mạnh cả dân tộc, tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Muốn vậy, mỗi người phải thường xuyên học tập, tự học, học suốt đời, học để thích nghi với bối cảnh tình hình mới, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, tay nghề, để hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, để có năng suất cao, thu nhập tốt, để cuộc sống ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tất cả người lao động Việt Nam, dù khu vực công hay tư đều phải nâng cao ý thức kỷ luật lao động, trang bị kiến thức pháp lý, tuân thủ giờ giấc, xây dựng tác phong lao động công nghiệp, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Phải biết trân trọng và tự hào về kết quả công việc hay sản phẩm mà mình góp phần tạo nên. Cần coi trọng phương thức làm việc theo nhóm và xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, nỗ lực không ngừng vì lợi ích chung. Phải luôn đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, công tác...

Người cán bộ, công chức, viên chức phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật, coi sứ mệnh của mình là tham mưu giỏi, phục vụ tốt, gần gũi, gắn bó với nhân dân. Từng người đổi mới, từng cơ quan, doanh nghiệp đổi mới, góp gió sẽ thành bão, khi đó sẽ tạo nên phong trào đổi mới trong toàn xã hội, sẽ tạo ra năng suất lao động mới cao hơn.

Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, về công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động, về xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu mới…

 Phải tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với truyền thống hào hùng, oanh liệt của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử dân tộc, Thủ tướng tin tưởng công nhân, viên chức, lao động cả nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng, xứng đáng vào nhiệm vụ nặng nề, lâu dài nhưng cũng rất vinh quang là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhân đây Thủ tướng đề nghị đại hội nghiên cứu, thảo luận có thể đưa chủ đề chúng ta thảo luận hôm nay “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” thành một chương trình hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.

 

            Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Công đoàn Việt Nam, hỗ trợ công đoàn trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vấn đề quản lý nhà nước của ngành và địa phương, hỗ trợ đất đai, tài chính xây dựng các thiết chế công đoàn…Từ những phân tích trên, Thủ tướng khẳng định đây là nhiệm vụ to lớn, hết sức nặng nề, cần sự nỗ lực chung của mọi người dân, trong đó CNVCLĐ là lực lượng nòng cốt; ghi nhận đóng góp của CNVCLĐ.

 “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh – chủ đề mà chúng ta thảo luận hôm nay, là nhiệm vụ to lớn, hết sức nặng nề, là khát vọng của toàn dân tộc.

Chỉ bằng con đường đó đất nước ta mới thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, nước phát triển trung bình, mang lại hạnh phúc cho mỗi người dân và phồn vinh dân tộc, mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Để làm được điều đó, chúng ta cần đến khối óc, bàn tay và tình yêu thiết tha đất nước của tất cả mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.Công nhân, viên chức, lao động - những người đang ngày đêm hăng say lao động trên khắp mọi miền của Tổ quốc, là những chiến sĩ xung trận, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó. Chính phủ biết ơn các anh chị em, ghi nhận công lao đóng góp của anh chị em cũng như các cấp công đoàn và Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để các anh chị em có việc làm ổn định và cuộc sống ngày càng tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng ra Lời hiệu triệu: “Đất nước ta, dân tộc ta đã từng chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù xâm lược mạnh nhất thế giới để giành lại độc lập, tự do bằng tinh thần đoàn kết, quả cảm và sự hy sinh vô bờ bến.Ngày nay, để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, mang lại phồn vinh và hạnh phúc, để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đòi hỏi chúng ta tiếp tục đoàn kết lại, triệu người như một, mỗi người dù ở vị trí công tác, nhiệm vụ, ngành nghề khác nhau nhưng ngay từ bây giờ, hãy cùng nỗ lực thi đua trên một chặng đường mới, khẩn trương và quyết liệt hơn. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên, đất nước sẽ phát triển bền vững.

BBT tổng hợp
Số lượt xem:476
Bài viết liên quan: