SỰ KIỆN - BÌNH LUẬN
Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn lại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
11-10-2017
Đến nay Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum đã hoàn thành công tác giải thể 9 Công đoàn Giáo dục cấp huyện và chuyển giao 383 CĐCS trường học, CĐCS phòng giáo dục huyện với 9.601 đoàn viên, CNVCLĐ về trực thuộc LĐLĐ cấp huyện, thành phố quản lý. Giải thể Công đoàn ngành Xây dựng, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải, Công đoàn ngành Nông nghiệp&PTNT; thành lập Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu kinh tế tỉnh Kon Tum.
AnhMinhHoa
BCH lâm thời các Công đoàn Khu công nghiệp - Khu kinh tế tỉnh ra mắt, nhận nhiệm vụ

Nhân dịp này, Ban biên tập Trang Thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh đã có cuộc phỏng vấn trao đổi với đồng chí Rơ Chăm Long - Tỉnh ủy viên, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum về nội dung quan trọng trên.

BBT: Thưa đồng chí Chủ tịch! Để đạt được kết qủa tốt nhất trong việc triển khai kế hoạch giải thể, chuyển giao các CĐCS; sắp xếp, kiện toàn lại Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nêu trên. Đảng đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã xúc tiến nội dung công tác này như thế nào?

Đồng chí Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum

Trên cơ sở Công văn số 2684-CV/BTCTW, ngày 10/5/2017 của Ban Tổ chức Trung ương về sắp xếp công đoàn Giáo dục cấp huyện và công đoàn ngành địa phương; Hướng dẫn số 704/HD-TLĐ, ngày 12/5/2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về sắp xếp lại công đoàn ngành địa phương, công đoàn Giáo dục cấp huyện; Thông báo Kết luận số 459-TB/TU ngày 03/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về chủ trương giải thể công đoàn các ngành: Giao Thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và PTNT tỉnh. Đảng đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã cụ thể hóa thành kế hoạch, xây dựng đề án, nội dung quy trình các bước triển khai nhiệm vụ đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu kế hoạch đề ra đối với từng cấp công đoàn, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của công đoàn cơ sở trên địa bàn. Để có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ và tạo sự đồng thuận giữa tổ chức công đoàn các cấp với cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã có những cuộc làm việc, trao đổi trực tiếp với các Huyện ủy, Thành ủy và Đảng ủy các sở, ngành liên quan, thống nhất về quan điểm, nội dung chỉ đạo và biện pháp thực hiện, đảm bảo về công tác sắp xếp tổ chức cán bộ, không làm ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, đoàn viên, người lao động, phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Tập trung chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương, kế hoạch, đề án sắp xếp, giải thể… đến các công đoàn cơ sở; phối hợp với cơ quan chuyên môn và vai trò chỉ đạo của cấp ủy cơ sở, nhằm đảm bảo sự nhất quán trong triển khai thực hiện.

            BBT. Theo kết quả bước đầu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai việc tiến hành giải thể, chuyển giao CĐCS và thành lập Công đoàn cấp trên cơ sở khá nhiều thuận lợi. Vậy, đồng chí đánh giá như thế nào về mục đích, ý nghĩa và khả năng kết quả sẽ đạt được?

Đồng chí Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum

Theo đề án và kế hoach đề ra, trong cùng một thời điểm phải tiến hành hai nội dung công việc khác nhau đó là: (1) Tiến hành giải thể 9 Công đoàn giáo dục huyện, thành phố, chuyển giao 383 CĐCS trường học, CĐCS phòng giáo dục huyện, với 9.601 đoàn viên, CNVCLĐ về trực thuộc LĐLĐ cấp huyện, thành phố quản lý. (2) Tiển hành giải thể 03 Công đoàn ngành địa phương, gồm ngành Xây dựng; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và PTNT; đồng thời, thành lập mới Công đoàn các Khu công nghiệp – Khu kinh tế tỉnh; tổ chức sắp xếp các công đoàn cơ sở thuộc các công đoàn ngành giải thể nêu trên để chuyển giao về trực thuộc Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn Viên chức tỉnh theo tính chất, địa bàn; sắp xếp và bàn giao các công đoàn cơ sở ở khu công nghiệp, khu kinh tế và một số đơn vị liên quan về trực thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu kinh tế tỉnh (tổng số sắp xếp, chuyển giao 127 CĐCS với 3.200 đoàn viên).

Vấn đề thay đổi mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn sao cho hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường hiện nay là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Ngay từ đầu, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xác định đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách nhằm nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động công đoàn các cấp; thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; kiện toàn hệ thống tổ chức công đoàn phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật; giảm bớt cấp trung gian, sắp xếp lại bộ máy cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/04/2015 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

BBT: Có ý kiến cho rằng, việc giải thể Công đoàn Giáo dục cấp huyện, thành phố và chuyển giao CĐCS trường học về Liên đoàn Lao động huyện, thành phố sẽ gặp khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở hoạt động. Vấn đề này cần xem xét như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum.

Việc giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện nhằm làm tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, đảm bảo tính thống nhất về mặt tổ chức theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam có 4 cấp (cấp Trung ương; cấp Tỉnh và tương đương; cấp huyện và tương đương; cấp cơ sở). Vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn cơ sở chỉ do 01 (một) Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ nhanh chóng, hiệu quả từ khâu triển khai đến thực hiện; phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn, của địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… chắc chắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của công đoàn cấp trên cơ sở sẽ không có bất kỳ trở ngại nào; trong thực tiễn, đối với cán bộ Công đoàn giáo dục cấp huyện, thành phố trước đây chủ yếu hoạt động bán chuyên trách, làm kiêm nhiệm dẫn đến việc đầu tư thời gian, công sức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa thực sự sâu sát cơ sở.

Đ/c Rơ Chăm Long - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giải thể 3 CĐ ngành và chuyển giao các CĐCS về đơn vị mới

Tiện thể tôi xin nói thêm: Việc giải thể các Công đoàn ngành địa phương có dưới 2.000 đoàn viên để tiến hành sắp xếp, thành lập Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu kinh tế tỉnh, đảm bảo phù hợp với tính chất hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề của các doanh nghiệp hiện nay cũng là một đòi hỏi tất yếu, nhằm đưa hoạt động công đoàn đi vào thực chất, hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm của công đoàn trước người lao động; đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển bền vững. Về chủ trương này đã được sự chỉ đạo kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự thống nhất của Đảng ủy các Sở ngành… và người sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp; có thể xem đây là thành công bước đầu để tạo sự thống nhất cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện giữa các cấp ủy Đảng, Công đoàn và Chủ doanh nghiệp, tạo nền tảng để công đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu sát cơ sở hơn.

BBT. Để sớm đưa hoạt động công đoàn đi vào nề nếp sau khi tiến hành việc giải thể, sắp xếp, chuyển giao CĐCS nêu trên. Đảng đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã có những giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới?

Đồng chí Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum

Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể, sắp xếp, chuyển giao CĐCS về trực thuộc các công đoàn cấp trên cơ sở theo kế hoạch, đề án; vấn đề cần tập trung lúc này đó là: Chỉ đạo công đoàn các cấp tiếp tục thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đảm bảo ổn định, duy trì phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn các cấp theo nghị quyết đại hội đề ra. Tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung hoàn thành kế hoạch tổ chức đại hội CĐCS nhiệm kỳ 2017-2022, tiến tới chuẩn bị các điều kiện tổ chức đại hội Công đoàn cấp trên cơ sở và Đại hội X Công đoàn tỉnh, nhiệm kỳ 2018-2023; tiến hành rà soát, thống kê về tổ chức, đoàn viên, người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước đủ điều kiện để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thu Kinh phí công đoàn 2% đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ, đáp ứng nhu cầu hoạt động công đoàn các cấp.

Phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn với chính quyền cùng cấp, chủ doanh nghiệp về đảm bảo việc làm, đời sống của người lao động; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn với phong trào CNVCLĐ ở cơ sở; tăng cường công tác cung cấp, chia sẽ thông tin giữa Công đoàn với Chính quyền, chủ doanh nghiệp và người lao động vì mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, nhất là đối với những cơ sở mới chuyển giao về đơn vị mới để hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở hoạt động đúng Điều lệ; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chấp hành Công đoàn các cấp, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người lao động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Kon Tum đề ra.

BBT. Xin trân trọng cám ơn đồng chí, chúc phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển./.

Ban biên tập thực hiện
Số lượt xem:1829
Bài viết liên quan: