SỰ KIỆN - BÌNH LUẬN
Thành quả hoạt động Công đoàn tỉnh Kon Tum sau 25 năm thành lập lại
22-9-2016
Ngày 19/9/1991, Tổng LĐLĐ Việt nam đã ra Quyết định số 603/QĐ-TLĐ tách Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai Kon Tum thành 02 ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum lúc đó có 06 đồng chí; đồng chí Đinh Văn Bích được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch và đồng chí Trần Thanh Hùng giữ chức Phó Chủ tịch.
AnhMinhHoa
Đại hội Công đoàn tỉnh Kon Tum lần thứ IX, nhiệm kỳ 2013 - 2018

                Cách đây vừa tròn 25 năm, Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 603/QĐ-TLĐ ngày 19/9/1991 tách Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai Kon Tum thành 02 ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum lúc đó có 06 đồng chí; đồng chí  Đinh Văn Bích được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch và đồng chí Trần Thanh Hùng giữ chức Phó Chủ tịch.

                Khi mới thành lập lại (1991), số cán bộ công đoàn chuyên trách của tỉnh có 21 người, trong đó cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh 13 người; số cán bộ chuyên trách công đoàn huyện, thị xã có 8 người. Tổng số cán bộ, công nhân viên và lao động trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.000 người; số cơ sở sản xuất kinh doanh toàn tỉnh 49 đơn vị, trong đó 02 đơn vị Trung ương, 11 đơn vị trực thuộc tỉnh và 36 đơn vị thuộc các huyện, thị xã; nhiều doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ, phải sắp xếp, giải quyết thôi việc cho lao động dôi dư là 2.448 người.

                Trước vô vàn khó khăn gian khổ những ngày mới thành lập lại tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp ủy Đảng, hệ thống tổ chức Công đoàn trong tỉnh đã nhanh chóng được kiện toàn. Ngày 25/10/1991 Hội nghị lần thứ nhất đã bầu bổ sung 07 đồng chí vào Ban Chấp hành và 02 đồng chí vào Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh để ổn định tổ chức và chỉ đạo hoạt động; tiếp tục thành lập 03 công đoàn ngành, 02 ban cán sự công đoàn huyện; 04 công đoàn cấp trên cơ sở; 28 CĐCS các cơ quan ban, ngành của tỉnh (có 48 công đoàn cơ sở trực thuộc tỉnh; 144 công đoàn cơ sở trực thuộc ngành, huyện, thị xã).

                Trải qua 05 kỳ Đại hội, từ Đại hội V (1993-1998) đến Đại hội IX (2013-2018), đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp trong tỉnh được củng cố và nâng cao về trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ; phương châm hoạt động luon gắn với đổi mới nội dung, phương thức, theo hướng lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy CNVCLĐ làm đối tượng vận động, lấy lợi ích thiết thực của người lao động làm mục tiêu hoạt động, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị.

                Nhìn lại những năm đầu thành lập lại tỉnh, đồng thời với việc củng cố kiện toàn tổ chức, các cấp công đoàn đã tiến hành vận động CNVCLĐ khắc phục khó khăn, tích cực tham gia các phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất, công tác, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời điểm đó, trước tình hình kinh tế đất nước hết sức khó khăn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ đã tác động rất xấu đến tình hình kinh tế đất nước và của tỉnh, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Trải qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, các cấp công đoàn tỉnh Kon Tum đã làm tốt công tác chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; tham gia xây dựng pháp luật, các chế độ, chính sách; đóng góp ý kiến vào các chủ trương của Đảng, dự án luật của Nhà nước, các đề án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách của người lao động; tư vấn pháp luật, tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp lao động và đình công, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hàng trăm công nhân lao động; chăm lo, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 158 căn nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên. Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị cho đoàn viên, tham gia xây dựng Đảng vững mạnh; hàng năm có từ 90% trở lên CNLĐ được học tập, quán triệt các chủ trương Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước… gắn với thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", qua đó giới thiệu hàng ngàn đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"... do Công đoàn phát động, triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 25 năm qua, có trên 10.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp sản xuất được áp dụng có giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng, tiêu biểu như năm 1996 có 20 công trình đăng ký thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch trị giá trên 24 tỷ đồng, làm lợi 4,5 tỷ đồng, phong trào thi đua kỷ niệm 70 năm thành lập Công đoàn Việt Nam trong năm 1999 có 79 CĐCS với 5.426 người tham gia, có 13 công trình sản phẩm đăng ký với tổng trị giá làm lợi 6 tỷ đồng. Công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh được quan tâm, nhất là sau khi thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, chuyển đổi và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phát triển thành phần kinh tế tư nhân, hoạt động sự nghiệp ngoài công lập… đã thành lập được hàng trăm CĐCS các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, lý luận, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động công đoàn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay toàn tỉnh có 41.213 CNVCLĐ; 33.885 ĐVCĐ với 1.010 CĐCS (tăng hơn 31.000 CNVCLĐ và tăng gần 26.000 đoàn viên so với ngày đầu thành lập lại tỉnh). Về hệ thống tổ chức: Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum hiện có 06 ban chuyên đề; 25 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 01 đơn vị sự nghiệp Nhà Văn hóa Lao động; 21 công đoàn thuộc Ngành trung ương phối hợp hoạt động.

Sự phát triển của các thành phần kinh tế những năm gần đây đã có dịch chuyển về cơ cấu lao động, trong đó khu vực kinh tế nhà nước có xu hướng giảm và tăng mạnh ở các doanh nghiệp tư nhân (1.009/1.050 doanh nghiệp); lực lượng lao động trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật khá cao nhưng không đồng đều, chủ yếu tăng ở các ngành công nghiệp và dịch vụ; khu vực sản xuất nông nghiệp lao động phổ thông còn nhiều. Tuy vậy, hầu  hết CNVCLĐ đều có ý thức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự giác vươn lên, đó là những thuận lợi lớn trong hoạt động công đoàn trên địa bàn, trong bối cảnh đất nước nói chung, tổ chức công đoàn nói riêng đang đứng trước những cơ hội lẫn thách thức lớn khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, môi trường hoạt động công đoàn có nhiều biến đổi; các tổ chức đại diện người lao động khác ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ được thành lập theo Hiệp định; quan hệ lao động và đình công sẽ có nhiều diễn biến phức tạp hơn, việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn, cản trở đối với Công đoàn Việt Nam, cũng như sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ trong cộng đồng ASEAN...; trước xu hướng đó, trong những năm tới đòi hỏi Công đoàn các cấp trong tỉnh cần phải chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho CNLĐ đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực để tập hợp, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nội dung xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân lao động, là cơ sở chính trị quan trọng của hệ thống chính trị, Công đoàn các cấp trong tỉnh cần phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cách thức tiếp cận cơ sở, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước; chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp; đưa phong trào thi đua đi vào thực chất; đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể, phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt pháp luật về lao động, tư vấn pháp luật, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, tăng cường trách nhiệm tham gia quản lý Nhà nước, xây dựng Đảng vững mạnh, thực sự là người đại diện có bản lĩnh của người lao động. Mặt khác, phải nghiêm túc và sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức hoạt động, nhất là khâu tuyên truyền giáo dục tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn, nâng cao trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công đoàn; tiếp tục đổi mới hoạt động, hướng về cơ sở, sát cơ sở, sát công nhân lao động; chủ động tham gia giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của công nhân lao động trong quan hệ lao động; khắc phục bệnh hình thức, hành chính, quan liêu, thiếu cụ thể; đề cao vai trò tự chủ của cơ sở, tự giác của CNLĐ, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ghi nhận những kết quả, thành tích đạt được trong hoạt động Công đoàn sau 25 năm thành lập lại, Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; hạng Nhì; hạng Nhất và nhiều Bằng khen, phần thưởng cao quý khác.

Bài viết: Xuân Bang - Thanh Bình; ảnh Ngô Anh
Số lượt xem:3044
Bài viết liên quan: