Kinh phí công đoàn là một bộ phận của tài chính nói chung và công đoàn nói riêng; việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí công đoàn có hiệu quả liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Hiện nay Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thế hệ mới, đây là cơ hội phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho đất nước nói chung và tổ chức Công đoàn nói riêng. Theo Hiệp định CPTPP, người lao động tại các doanh nghiệp được phép tự do thành lập tổ chức đại diện bảo vệ người lao động ngoài tổ chức thuộc Tổng Liên đoàn mà Luật pháp Việt Nam không được cản trở, vì vậy dẫn đến khả năng nhiều tổ chức đại diện người lao động mới ngoài Công đoàn Việt Nam sẽ được thành lập, có thể thu hút đoàn viên, người lao động của công đoàn các cấp, từ đó việc thu kinh phí công đoàn, đặc biệt là thu ở những doanh nghiệp ngoài Nhà nước có thể giảm nhiều, việc quản lý, phân bổ kinh phí đảm bảo hoạt động của bộ máy cơ quan, tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ người lao động là vấn đề mà cả hệ thống công đoàn Việt Nam hiện nay phải quan tâm.
Hội nghị BCH LĐLĐ tỉnh lần thứ III (khóa X) thông qua Nghị quyết chuyên đề về thu tài chính công đoàn khu vực kinh tế ngoài nhà nước
Trong những năm qua, công tác quản lý kinh phí công đoàn tỉnh Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, một số đơn vị đã được phân cấp thu toàn diện theo chủ trương của Tổng Liên đoàn, song việc thu kinh phí công đoàn các đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt kết quả thấp, không đảm bảo kinh phí để chi lương và hoạt động tại đơn vị, tình trạng thất thu kinh phí công đoàn còn chiếm tỉ lệ cao. Mặc dù công đoàn các cấp đã nỗ lực cố gắng đôn đốc song do sự thiếu nhất quán trong quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với trích đóng kinh phí công đoàn còn chưa nghiêm túc làm ảnh hưởng đến hoạt động công đoàn các cấp và trực tiếp là CĐCS doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt việc thu kinh phí công đoàn trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thực sự có hiệu quả và đồng bộ đòi hỏi phải có các giải pháp cụ thể hơn.
Mục tiêu của quản lý thu kinh phí công đoàn là thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, sử dụng có hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn thu luôn được các cấp công đoàn chú trọng, đã xác định rõ trách nhiệm thu, quản lý nguồn thu cho từng đơn vị, từng cấp công đoàn. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng dự toán thu, chấp hành dự toán thu đã được các cấp công đoàn thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến công tác thu tài chính công đoàn, khi sản xuất kinh doanh khó khăn, tiền lương thấp, nợ lương không những ảnh hưởng đến thu kinh phí mà cả việc thu đoàn phí công đoàn.
Nhìn lại công tác quản lý thu kinh phí công đoàn của LĐLĐ tỉnh Kon Tum trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên vấn đề thu kinh phí Công đoàn đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức công đoàn ở Kon Tum vẫn là một “bài toán” khó. Nhận thức của nhiều doanh nghiệp về trích đóng kinh phí công đoàn còn rất hạn chế, cố tình chây ì, không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; mặt khác, việc tiếp cận các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở rất khó khăn do địa chỉ doanh nghiệp thường xuyên thay đổi, hoặc địa chỉ không rõ ràng, không tìm được doanh nghiệp, không giám sát được số đoàn viên và số lao động. Vì vậy, việc thu kinh phí Công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn tỷ lệ thất thu còn cao.
Về mặt khách quan, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và khu vực, các doanh nghiệp trong nước nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp ở tỉnh nói riêng không theo kịp xu thế phát triển của khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, điều hành quản lý… nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lao động quá ít, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, lao động không có việc làm thường xuyên, nghỉ việc, lương thấp, đời sống khó khăn, làm ảnh hưởng đến thu kinh phí công đoàn và ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vi.
Từ thực tế trên, để thực hiện có hiệu quả trong công tác thu kinh phí công đoàn 2% của các doanh nghiệp chưa có tổ công đoàn cần có các giải pháp như sau:
Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ cũng như các văn bản hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN về công tác tài chính công đoàn đến các CĐCS, đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ công đoàn và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp về việc thu, trích đóng kinh phí công đoàn 2% theo quy định của pháp luật.
Hai là: Xác định quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp để làm căn cứ thu đúng, thu đủ kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật. Đây là nội dung rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác tổ chức thu đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới gắn với trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ba là: Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH,… tuy nhiên để thực hiện được việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn theo nghị định này thì còn phụ thuộc yếu tố khác, đó là thủ tục hành chính liên quan đến việc thụ lý đơn của Tòa án nên trên thực tế chưa thực hiện được. Vì vậy, tổ chức công đoàn cần chủ động, tích cực trong việc tham gia với các cơ quan chức năng của nhà nước để có sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước gồm: Sở LĐTB&XH, Cục thuế tỉnh trong việc cung cấp thông tin về quản lý lao động, quản lý doanh nghiệp có liên quan đến việc xác định số liệu về kinh phí công đoàn 2% phải trích đóng để đưa vào kế hoạch dự toán hàng năm đúng quy định.
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cán bộ làm công tác kế toán ở công đoàn cấp trên cơ sở về nghiệp vụ chuyên môn; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tiếp cận tới từng doanh nghiệp trên địa bàn để đôn đốc, nhắc nhỡ việc trích nộp kinh phí công đoàn theo Nghị định số 191/2013/NĐ-CP; phối hợp với cơ quan thuế thường xuyên xuống các doanh nghiệp trao đổi, tiếp cận với giám đốc, người sử dụng lao động tại doanh nghiệp, để tạo mối quan hệ ủng hộ, trách nhiệm đối với tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Năm là: Với phương châm “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp”, các cấp công đoàn chủ động chia sẻ với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, từ đó giúp doanh nghiệp hiểu đầy đủ các quy định về trích đóng kinh phí công đoàn. Cùng doanh nghiệp chăm lo cho người lao động tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, giúp họ tổ chức các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, vận động người lao động hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414429 Số người online: 107 |
Phát triển:TNC |