Trong tiến trình hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) nhằm mở rộng hợp tác đầu tư và phát triển kinh tế quốc tế với nhiều cơ hội và thách thức trong việc thực hiện đường lối của Đảng về “Đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế” nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc gia nhập các FTA đồng thời với việc chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt các công ước của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó Công ước số 87 về “Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức” là một trong những thách thức lớn của cả hệ thống chính trị, một khi người lao động được quyền tự do lựa chọn tổ chức đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam; lúc bấy giờ, quan hệ lao động trong môi trường có sự tham gia của nhiều tổ chức được thành lập đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động với những mục đích, tôn chỉ, điều lệ tổ chức khác nhau sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới và phức tạp.
Những năm gần đây, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn về đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới đồng nghĩa với việc Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động, một việc chưa từng có trong tiền lệ, đặt ra những thách thức lớn trong việc thu hút người lao động đến với tổ chức của mình; dự báo lúc đó, quan hệ lao động sẽ có sự xáo trộn, phức tạp, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động lôi kéo… nhằm thực hiện mục đích riêng của họ, bởi không chỉ Công đoàn Việt Nam là người duy nhất đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động như hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh, phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã có những bước tiến quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Kon Tum đề ra; đời sống của CNVCLĐ từng bước được nâng lên; quan hệ lao động cơ bản ổn định, các chính sách an sinh xã hội của người lao động được đảm bảo; vấn đề tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc có xảy ra nhưng không nhiều. Tuy vậy, tình hình thực hiện, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động đối với người lao động ở một số đơn vị, doanh nghiệp đã nảy sinh những vấn đề mất ổn định; vi phạm quyền và lợi ích của người lao động; có thể khái quát một số vấn đề sau:
- Việc giao kết hợp đồng lao động, xác lập quan hệ lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên ở một số doanh nghiệp chưa đúng quy định. Trong thương lượng, giao kết hợp đồng lao động... người lao động luôn yếu thế, bản thân họ cũng không nắm đầy đủ quy định pháp luật về quyền và lợi ích của mình, thiếu các kỹ năng thương lượng. Bên cạnh đó vai trò tư vấn, hỗ trợ của công đoàn cơ sở còn bất cập, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn hạn chế, chưa kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật lao động; vì vậy không ít doanh nghiệp cố tình né tránh việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, thậm chí cả đối với lao động làm việc ở những vị trí đỏi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất...; việc thực hiện quy chế trả lương theo hình thức khoán sản phẩm chưa rõ ràng, tiền lương của người lao động bị bớt xén, chiếm dụng khá tinh vi; công tác an toàn vệ sinh lao động; chế độ chính sách về chăm sóc sức khỏe, tái sản xuất sức lao động của người lao động chưa đầy đủ.
- Ý thức trách nhiệm thực thi pháp luật nói chung, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH ... của người sử dụng lao trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn hạn chế; nhiều trường hợp cán bộ doanh nghiệp làm công tác quản lý nhân sự, tham mưu thực hiện chế độ, chính sách của người lao động chưa đúng quy định, trái với hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể và nội quy, quy chế của công ty về quyền, lợi ích của người lao động đã được ký kết.
(ảnh minh họa: Đại hội đại biểu công đoàn Viễn thông kon Tum nhiệm kỳ 2017-2022)
- Số lượng doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN... tuy có giảm so với vài năm gần đây, nhưng còn nhiều trường hợp người lao động không được người sử dụng lao động đăng ký tham gia BHXH bắt buộc thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, hoặc có tham gia nhưng nợ đọng dây dưa, kéo dài dẫn đến các chế độ về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh nhưng không được thanh toán; nhiều trường hợp người lao động bị mất việc làm do chấm dứt hợp đồng lao động lao động... nhưng không được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp hoặc chốt sổ BHXH cho người lao động vì doanh nghiệp nợ BHXH.
- Nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ công đoàn cơ sở về quan hệ lao động còn hạn chế. Một mặt do vấn đề quan hệ lao động còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, các nghiên cứu chưa nhiều, đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực này còn mỏng nên công tác phổ biến, tuyên truyền kiến thức về quan hệ lao động chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, hoạt động công đoàn ít quan tâm đến vấn đề này mà vẫn tư duy, nhận thức theo lối cũ, chưa coi đây là lĩnh vực quan trọng để tập trung định hướng nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn. Mặt khác một số doanh nghiệp cố tình gây khó khăn, cản trở hoạt động của công đoàn; không chủ động phối hợp với tổ chức công đoàn để thành lập CĐCS theo quy định dẫn đến nhiều người lao động chưa được gia nhập tổ chức công đoàn; nhiều doanh nghiệp không trích đóng kinh phí công đoàn 2% làm ảnh hưởng không nhỏ trong hoạt động công đoàn về công tác bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động.
Thực trạng trên đồng thời là nguyên nhân làm cho quan hệ lao động trong doanh nghiệp dễ bị phá vỡ, sản xuất kinh doanh không ổn định, việc làm, đời sống khó khăn, chế độ chính sách của người lao động bị vi phạm dẫn đến các trường hợp tranh chấp lao động, ngừng việc và đình công đã từng xảy ra những năm trước đây.
Để khắc phục những vấn đề trên, vai trò của tổ chức công đoàn mà trực tiếp là Ban chấp hành CĐCS tại các doanh nghiệp phải có trách nhiệm định hướng, tư vấn, hướng dẫn người lao động khi xác lập quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động sao cho các bên phải đạt được những mục tiêu nhất định, trên cơ sở bảo đảm việc làm, đời sống, chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật; bên cạnh đó, vấn đề thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể phải phát huy được vai trò, trí tuệ, kỹ năng thương lượng của Ban chấp hành công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động theo hướng:
- Quan hệ lao động phải đảm bảo sự hài hòa giữa các yếu tố về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Mục đích hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp là lợi nhuận; mục đích của người lao động là lợi ích, tiền lương, tiền công và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật được trả tương xứng với thành quả lao động đã đạt được. Các bên cần có quan hệ gắn kết với nhau để đều đạt được mục đích của mình với mức phù hợp nhất. Hài hòa trong quan hệ lao động là cách ứng xử giữa các bên ngoài các quy định của pháp luật, thì sự thương lượng để đạt được thỏa thuận giữa các bên về lợi ích là giải pháp tốt nhất để góp phần làm hài hòa quan hệ lao động.
- Ổn định quan hệ lao động luôn gắn với việc làm, thu nhập, thời gian làm việc của người lao động; không có biến động đảng kể về sản xuất kinh doanh, hợp đồng đặt hàng, số lượng cơ cấu công nhân của doanh nghiệp. Đó là duy trì trạng thái cân bằng về lợi ích, giảm thiểu mâu thuẫn phát sinh, không có xung đột lớn về lợi ích. Các bên luôn lựa chọn hợp tác, thương lượng hơn là đấu tranh đòi phần hơn về mình. Sự ổn định của quan hệ lao động là tương đối, khi có mâu thuẫn nếu được giải quyết hiệu quả sẽ tạo một quan hệ lao động mới lành mạnh hơn, đưa doanh nghiệp phát triển, không ngừng nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động.
- Tiến bộ của quan hệ lao động là sự vận động phát triển theo hướng đi lên, các bên trong quan hệ lao động có động thái tích cực hơn, luôn mong muốn hợp tác để đạt được mối quan hệ hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, gắn kết với nhau hơn hướng tới xu thế phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quan hệ lao động chỉ thực sự lành mạnh, tiến bộ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển khi mục tiêu và lợi ích các bên được đảm bảo và ngày càng thõa mãn. Người sử dụng lao động ngày càng quan tâm hơn đến chế độ cho người lao động như tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, các khoản hỗ trợ...; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn, luôn ứng xử có văn hóa. Bên cạnh đó, vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động luôn cùng đồng hành, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, có ý thức làm việc với tinh thần trách nhiệm, năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao hơn bằng việc tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo... trong công nhân, viên chức, lao động, chắc chắn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414429 Số người online: 112 |
Phát triển:TNC |