Nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng sinh năm 1925 nơi làng quê sông nước Giá Rai, Bạc Liêu. Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than, cơ cực dưới ách áp bức bóc lột của bọn địa chủ cường hào và ách thống trị của bọn thực dân Pháp, Bà đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng khi tuổi đời chỉ vừa đôi mươi, cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã thổi luồng sinh khí mới vào lòng dân tộc. Bằng trái tim yêu nước thiết tha, ý chí kiên định theo đuổi lý tưởng cao cả và nhiệt huyết sôi sục của tuổi trẻ, Bà không từ nan bất cứ công việc, nhiệm vụ gì tổ chức giao phó. Tháng 3/1946, Bà tham gia công tác phụ nữ huyện Giá Rai, phụ nữ cứu quốc tỉnh Rạch Giá, rồi trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Nam bộ vào năm 1949. Ở cương vị nào, Bà đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong công tác xây dựng phong trào, vận động quần chúng, được mọi người tin yêu và kính phục.
Năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, Bà tiếp tục tham gia các phong trào cách mạng chống chế độ độc tài phát-xít của Mỹ - Diệm. Cũng trong thời gian này, Bà lập gia đình và sau đó sinh được hai con. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Bà được bầu làm Phó Hội trưởng Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Trước cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, Bà đành phải gởi 2 con ra miền Bắc và cuối năm 1960, chồng Bà hi sinh ở một xóm nhỏ Đông Yên, xã Đông Hòa (Dĩ An, Biên Hòa). Những dòng nhật kí ghi ngày 9/2/1962, Bà đã viết về nỗi đau đớn của mình khi hay tin chồng hi sinh, nỗi nhớ thương con và dặn lòng quyết tâm chiến đấu: “…Bao nhiêu mong nhớ đợi chờ làm tắt ngấm! Đời tôi đã trải qua lắm lần tang tóc như thế, nhưng không lần nào sâu nặng bằng lần này. Còn lại 2 con sống xa mẹ, chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh giúp tôi hăng hái đi lên, không bao giờ lùi bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho mọi người không còn tang tóc, chia ly…”.
Bà cũng là một cây viết xã luận sắc xảo của Báo Phụ nữ Giải phóng.
Năm 1965, khi đang là Khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định, Bà được giao giữ nhiệm vụ Trưởng Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định (T4), phụ trách cánh đô thị và nông thôn. Ngày 9/5/1967, trên đường đi công tác, nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng bị tên phản cách mạng Ca Vĩnh Phối nhận mặt, chỉ điểm cho bọn mật vụ bắt và giam giữ tại khám Chí Hòa. Bọn địch dùng đủ chiêu bài tâm lý dụ dỗ, mua chuộc… bất thành, chuyển sang thực hiện những cực hình tra tấn man rợ nhất như: đánh đập, châm điện, đốt trơ xương ngón tay, đánh toét hai bàn chân…, hòng làm khuất phục người nữ chiến sĩ cộng sản đầy kiên trung, nhưng tất cả đều thất bại trước tinh thần và ý chí bất khuất “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Bà.
Biết không thể khai thác được thông tin từ người tù cộng sản Lê Thị Riêng, đêm mồng 2 Tết Mậu Thân (nhằm ngày 01 tháng 02 năm 1968), địch bí mật đem bà đi thủ tiêu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác. Trong những giờ phút cuối cùng, khi bị còng trên xe cùng đồng đội, Bà vẫn không ngừng cổ vũ tinh thần cho mọi người: “Trong tình huống này, ta phải xứng đáng là những người cộng sản”, vẫn cùng hòa giọng ca vang bài Quốc tế ca “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…” Tinh thần bất khuất của người nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng giúp đồng đội, đồng chí của Bà vững vàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng dù tay không một tấc sắt, dù cái chết đang cận kề. Trước khi bị súng bắn trọng thương và anh dũng hi sinh, Bà vẫn hô vang “Đả đảo khủng bố, đả đảo tàn sát. Hồ Chí Minh muôn năm!”, dõng dạc tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy. Trong giây phút bị địch xả súng thủ tiêu, Lê Thị Riêng đã đón nhận lấy luồng đạn hung bạo, lấy thân mình chở che cho người đồng chí, đồng đội Ngọc Anh được sống. Trong tác phẩm “Gương sáng nữ Việt” - tác giả Trần Đình Ba, đã viết: “Trong những giờ phút cuối cùng trước lúc anh dũng hy sinh, nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng vẫn làm tròn nhiệm vụ của một người cách mạng ở cương vị lãnh đạo”.
Đấu tranh với kẻ thù, nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng là người dũng cảm, mưu trí, kiên quyết, khôn khéo. Đối với đồng chí, đồng đội, bà hết mực thân ái, giúp đỡ, chở che. Đối với gia đình, bà vẫn là người vợ, người mẹ hết lòng thương yêu chồng, con như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Trong bài thơ “Ước mơ”, bà viết:
Mẹ nguyện làm một chiến đấu viên
Mẹ chiến đấu cho ngày mai tươi sáng
Cho Bắc, Nam thống nhất
Cho đất nước hòa bình
Cho mọi người được no ấm, quang vinh
Cho con được hưởng trọn tình thương của mẹ.
Những dòng thơ giản dị của người nữ cộng sản kiên trung vừa thể hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp với những ước mơ cháy bỏng về một ngày mai Bắc - Nam sum họp một nhà, núi liền núi - sông liền sông, nhưng cũng vừa thấm đẫm tình yêu vô bờ bến của người mẹ dành cho những đứa con.
Tri ân những hi sinh của người nữ chiến sĩ anh hùng, ngày 10/4/2001, Chủ tịch nước đã ký truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho Liệt sĩ Lê Thị Riêng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tên Bà được đặt cho các con đường tại Quận 1 và Quận 12, tên công viên và trường Tiểu học tại Quận 10. Người nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Thị Riêng đã trở thành biểu tượng đầy tự hào về tấm gương người nữ cộng sản kiên trung, bất khuất, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà; Bà cũng là người vợ, người mẹ thủy chung son sắt, dành trọn tình thương yêu ngọt ngào nhất cho chồng con; xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ kính yêu đã dành tặng cho Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum![]() |
Email: congdoankontum@yahoo.com. ![]() |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. ![]() |
Tổng số người truy cập: 1414430 Số người online: 194 |
Phát triển:TNC |