Hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa toàn quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 23/8/1945 một nhóm trí thức, viên chức yêu nước và binh lính tiến bộ ở Kon Tum đã bí mật họp bàn về việc tổ chức giành chính quyền. Việc giành chính quyền ở Kon Tum diễn ra rất nhanh chóng không phải nổ súng, sáng ngày 28/8/1945 Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tổ chức mít tinh lớn tại sân vận động trung tâm thị xã, trong đó có khoảng 200 công nhân nhà đèn, công nhân tự do, viên chức, binh lính bảo an tham gia nhằm biểu dương tập hợp lực lượng.
Trong điều kiện đã có chính quyền, lực lượng công nhân, viên chức phát triển ngày càng đông, nhiệm vụ của Đảng là phải tập hợp họ lại, đưa vào hoạt động trong một tổ chức góp phần xây dựng, bảo vệ chính quyền. Cuối tháng 10-1945 tổ chức Công nhân cứu quốc (tiền thân của tổ chức Công đoàn) ở Kon Tum được thành lập. Đồng chí Hồ Phương được giao phụ trách công tác công vận. Ban công vận có 2 đồng chí, tuy chưa có Ban chấp hành nhưng nhờ có chính sách, điều lệ của Việt Minh nên mọi công việc cũng nhanh chóng ổn định. Sau đó Hội công nhân cứu quốc trong các cơ quan của lực lượng cách mạng Kon Tum lần lượt ra đời.
Mặc dù ra đời muộn hơn một số tỉnh, thành phố khác, nhưng tổ chức Công đoàn Kon Tum là đầu mối tập hợp, vận động công nhân, lao động thực hiện đường lối chủ trương của Đảng. Sự ra đời của tổ chức Công đoàn ở Kon Tum đã đưa phong trào CNLĐ có nhiều chuyển biến mới trong việc chỉ đạo, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đời sống, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc ngày 30/4/1975, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1976 đến năm 1991 hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum sáp nhập, cuối 1977 đội ngũ cán bộ, công chức, công nhân, viên chức Gia Lai - Kon Tum có sự trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng có 27.000 CBCNVC. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum và Tổng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum đã trải qua 04 kỳ Đại hội. Ngày 12 tháng 8 năm 1991, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về chia tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tháng 10 năm 1991, tỉnh Kon Tum được tái lập chính thức đi vào hoạt động và đã qua 06 kỳ Đại hội, mỗi kỳ đại hội là một dấu mốc quan trọng khẳng định sự trưởng thành mạnh mẽ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh Kon Tum.
Có vị trí địa lý ở ngã ba Đông Dương, tỉnh Kon Tum được xác định là khu kinh tế động lực, trung tâm trong tam giác phát triển gồm 13 tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào – Campuchia, lực lượng CNLĐ ngày càng phát triển, đặc biệt đứng trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc làm, đời sống của người lao động hàng ngày sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, do đó không thể thiếu vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực. Xác định đây là thời điểm hoạt động công đoàn khó khăn và đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.
Đại hội X Công đoàn tỉnh Kon Tum (nhiệm kỳ 2018 – 2023) diễn ra từ ngày 16-17/5/2018 đã để ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn mới; theo đó cần phải thực hiện tốt vai trò tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp tổ chức tốt công tác chăm lo đại diện bảo vệ người lao động. Trong hoạt động cần chọn việc trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề mang tính bức xúc cần được giải quyết để tổ chức thực hiện; kiên trì, bám sát cơ sở, gần gũi người lao động khi tổ chức thực hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc; thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đảm bảo thông thạo về nghiệp vụ công đoàn, am hiểu về quản lý, pháp luật, chủ động và nhạy bén trong tổ chức thực hiện.
Hoạt động công đoàn tỉnh Kon Tum trong giai đoạn hiện nay cần phải tập trung ở cơ sở, lấy CNVCLĐ làm đối tượng vận động, đối tượng phục vụ; đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp có tính đột phá, tập trung đồng bộ trong hoạt động công đoàn; coi trọng xây dựng CĐCS vững mạnh là nhiệm vụ xuyên suốt, là động lực thúc đẩy hệ thống tổ chức công đoàn không ngừng phát triển; nội dung hoạt động phải thiết thực, phù hợp điều kiện khả năng, tránh nhàm chán, tránh quan liêu và hành chính hóa trong hoạt động công đoàn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, tạo niềm tin vững chắc của người đại diện đoàn viên và CNVCLĐ. Mặt khác, cần phải tập trung nguồn để thực hiện chức năng chính của mình, tránh bị phân tán hoặc giảm sút để xây dựng lực lượng công nhân lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum![]() |
Email: congdoankontum@yahoo.com. ![]() |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. ![]() |
Tổng số người truy cập: 1414430 Số người online: 235 |
Phát triển:TNC |