Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 16 Khoản 1); “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26).
Công ước ILO số 111 coi mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi dựa trên giới tính, có tác động triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử trong việc làm hoặc nghề nghiệp là phân biệt đối xử, cần được loại bỏ (Điều 1 khoản 1 điểm a).
Theo điều 5 khoản 1 điểm a Bộ luật Lao động (BLLĐ) hiện hành, người lao động (NLĐ) có quyền làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp (.
Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác (Điều 136 khoản 1 BLLĐ).
NSDLĐ có trách nhiệm tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ (Điều 136 khoản 2 BLLĐ). Cụ thể:
1. Trong lĩnh vực tuyển dụng
Ngoài các quy định chung bảo đảm quyền lợi cho tất cả người lao động ngay từ quá trình tuyển dụng, như: NLĐ không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động; thời gian thử việc (không quá: 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp; 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên, 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; 06 ngày làm việc đối với công việc khác); tiền lương của NLĐ trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó (Điều 26 BLLĐ) v.v...
Để khắc phục tình trạng bất bình đẳng về tuyển dụng giữa nam và nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhà nước quy định áp dụng một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, đó là: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng (Điều 13 Luật Bình Đẳng giới -BĐG; Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động (Điều 13, Khoản 3, Điểm a, Luật BĐG).
Nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam (Điều 19 Khoản 1, Điểm đ, e, Luật Bình Đẳng giới).
Theo đó, NSDLĐ không được áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, không được từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính (Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP).
Nghiêm cấm việc lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt NLĐ hoặc để tuyển dụng NLĐ với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật (Điều 8 Khoản 6 BLLĐ).
Khuyến khích NSDLĐ ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn (Điều 78 Khoản 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Như vậy, khi lao động có đủ điều kiện về tiêu chuẩn, độ tuổi, trình độ chuyên môn… mà công việc cần thì dù là nam hay nữ cũng đều được tuyển dụng vào vị trí tương ứng. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt, ví dụ, nếu NSDLĐ áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ, có thể bị xử phạt tới 10.000.000đ (Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới). Mức phạt này đang được nghiên cứu tăng lên trong thời gian tới.
(Lưu ý: Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi thuộc một công việc nhất định và căn cứ trên những đòi hỏi vốn có của công việc đó thì sẽ không coi là phân biệt đối xử (Điều 1 khoản 2 Công ước ILO số 111), ví dụ: quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ mang thai, các loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ v.v…).
Ảnh: Minh họa
2. Trong lĩnh vực đào tạo
NLĐ được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình (Điều 59 Khoản 1, BLLĐ).
Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (Điều 14 Luật BĐG).
Sau khi được tuyển dụng, lao động nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoặc học nghề, nâng cao trình độ, nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc (Điều 13 Khoản 3, Luật BĐG và Điều 5 Khoản 1, Điểm a BLLĐ).
Do đó, NSDLĐ không được thu học phí học nghề, tập nghề; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng (Điều 61 BLLĐ).
Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật (Điều 8 Khoản 4 BLLĐ).
Đối với hành vi vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học vì lý do giới tính hoặc từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính sẽ bị phạt từ 5.000.000 – 10.000.000đ. Hành vi quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ bị phạt từ 10.000.000 – 20.000.000đ (Điều 9 Khoản 2,3 Nghị định 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới).
Tổ chức và cá nhân vi phạm buộc phải khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm hại và phải yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ các quy định về tuổi đào tạo, tuyển sinh có định kiến giới, phân biệt đối xử về giới đã vi phạm nêu trên (Điều 9 Khoản 4 Nghị định 55/2009/NĐ-CP).
3. Đảm bảo bình đẳng về thăng tiến
Nhà nước quy định nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức (Điều 11 Khoản 4 Luật BĐG) hoặc nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh (Điều 13 Khoản 2 Luật BĐG).
Các cơ quan, tổ chức cần bảo đảm nam, nữ bình đẳng trong việc làm, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm và hưởng phúc lợi (Điều 34 Luật BĐG).
NSDLĐ có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến… cho NLĐ (Nghị định số 55/2009/NĐ-CP).
Hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới bị coi là hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới (Điều 40 Luật BĐG). Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 3.000.000đ đến 5.000.000 (Điều 6 Khoản 4 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP). Mức phạt này đang được nghiên cứu tăng lên trong thời gian tới.
BAN NỮ CÔNG TỔNG LĐLĐ VIỆT NAM
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414429 Số người online: 279 |
Phát triển:TNC |