Cách đây 44 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, viết thêm những trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ, kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Với Kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976 của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương và Kế hoạch thực hiện Chiến dịch Tây Nguyên của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được giao nhiệm vụ cùng tỉnh Gia Lai thực hiện “nghi binh chiến”, thu hút sự quan tâm, phán đoán của kẻ thù hướng vào chiến trường Bắc Tây Nguyên. Thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kon Tum với nổ lực cao nhất, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, ra sức chuẩn bị mọi mặt phối hợp cùng lực lượng trên địa bàn, vừa tiếp tục tấn công địch để giữ thế chiến lược, vừa tích cực góp sức cùng mặt trận Tây Nguyên giành lấy thắng lợi quyết định, chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón thời cơ, giải phóng hoàn toàn Kon Tum và Tây Nguyên.
Đến tháng 3-1975, địch nhận định và tin chắc rằng ta sẽ mở cuộc tấn công vào hướng Bắc Tây Nguyên từ Kon Tum xuống Gia Lai, nên đã tập trung lực lượng đối phó về hướng này. Trung tuần tháng 02-1975, trong khi Sư đoàn 10 và 320A của Mặt trận Tây Nguyên bí mật di chuyển vào Nam Tây Nguyên, thì ở Kon Tum ta vẫn phát đi nhiều bức điện, báo cáo giả, làm cho địch tin rằng lực lượng này của ta vẫn nằm im vị trí cũ. Ở Kon Tum, ta vẫn giữ thế bao vây và liên tục tổ chức các trận tập kích vào các trận địa căn cứ vòng ngoài. Từ đó, địch đinh ninh chắc chắn ta sẽ tấn công vào thị xã Kon Tum và Plei Ku.
Ảnh ST: Sơ đồ Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 ở Kon Tum
Song song với nhiệm vụ đánh nghi binh, hỗ trợ cho Chiến dịch Tây Nguyên, Tỉnh ủy giao trọng trách cho Tỉnh đội đảm nhận tấn công các mục tiêu chính, đồng thời chỉ đạo cho tất cả các lực lượng của tỉnh chuẩn bị tư thế để tiếp quản thị xã. Lực lượng của ta ở Kon Tum hình thành một thế trận định sẵn tấn công giải phóng thị xã theo nhiều hướng. Hướng chính từ phía Đông Nam đánh vào các mục tiêu trung tâm ở nội thị. Hướng Bắc và Tây Bắc thị xã, Đại đội đặc công 14 và Đại đội 2 Công an vũ trang cùng một bộ phận của tỉnh ở Đăk Tô tăng cường đảm nhận. Hướng Tây và Tây Nam thị xã gồm một bộ phận của tỉnh, Đại đội 187, chủ lực và một số cán bộ huyện Sa Thầy đảm trách. Đi kèm với các cánh quân luôn có các đội vũ trang công tác làm nhiệm vụ dẫn đường và phát động quần chúng nổi dậy. Từ trong căn cứ, tất cả các ban của tỉnh đều chuẩn bị sẵn một lực lượng tiền phương làm công tác tiếp quản khi thị xã được giải phóng. Từ đầu tháng 3-1975, khi tiếng súng tấn công địch rộ lên khắp Mặt trận Tây Nguyên, đến ngày 16-3-1975 quân và dân tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều cuộc tấn công địch trên khắp địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu nội thị và tuyến đường quốc lộ 14 (đoạn đèo Sao Mai) - tuyến đường địch rút quân về đồng bằng. Đêm ngày 16-3-1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh, cùng với các mũi đột kích của chủ lực đột nhập chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum. Cờ giải phóng tung bay trên khắp bầu trời thị xã.
Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của ngụy quyền Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, là một trong những trang sử chói lọi nhất ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra./.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414429 Số người online: 174 |
Phát triển:TNC |