TIN TỨC, SỰ KIỆN TỈNH KON TUM
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
25-10-2019

Ngày 23/10/2019, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tại 2 phiên thảo luận trong ngày làm việc này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Rơ Chăm Long và 47 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu ý kiến thảo luận; 6 đại biểu Quốc hội tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; tăng tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tăng thêm 01 ngày nghỉ lễ đó là Ngày gia đình Việt Nam 28/6; về thời giờ làm việc bình thường; về nghỉ lễ, Tết; chính sách tiền lương; bổ sung thêm về việc học nghề, dạy nghề đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dự thảo Bộ luật.

Đ/c Rơ Chăm Long - ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội trường

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Rơ Chăm Long cơ bản đồng tình và tán thành cao với Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời phát biểu tham gia 5 ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, cần cân nhắc đến việc mở rộng quy định tiêu chuẩn lao động, vì dễ dẫn đến khó quản lý người lao động. Đây là một vấn đề đề nghị cần có nghiên cứu tính toán thật kỹ, có khoa học, hợp lý, hợp tình, không làm ảnh hưởng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì chính sách của chúng ta là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Người lao động phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động, tạo ra việc làm cũng như trong sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi. Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, qua nghiên cứu cho thấy xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, nhưng vấn đề quan trọng vẫn duy trì được sức khoẻ, có khả năng tái tạo sức lao động cũng như vấn đề an toàn của người lao động trong việc cân bằng giữa công việc và đời sống. Nếu thời gian làm việc dài có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả người lao động và doanh nghiệp, chưa nói đến việc việc làm bị xáo trộn nhịp sinh học, tai nạn lao động, cuộc sống gia đình, xã hội, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khoẻ và hiệu quả trong công việc. Giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hoà với các yếu tố sức khoẻ cho xã hội, góp phần tăng thu nhập và việc làm cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững…. Đại biểu Rơ Châm Long đề xuất giảm giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.

Thứ ba, về làm thêm giờ tại Điều 107. Đại biểu Rơ Chăm Long chọn phương án 1 là giữ lại như quy định hiện hành, tuy nhiên, để đảm bảo trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần có quy định cụ thể, rõ hơn ở một số ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc kỹ về làm thêm giờ để tạo sự hài hoà, ổn định, tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động để có sự thấu hiểu, đồng hành cùng nhau xây dựng, phát triển theo hướng có lợi, tiến bộ hơn cho người lao động để người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, có thêm thời gian chăm sóc bản thân và gia đình.

Thứ tư, về tuổi nghỉ hưu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tiến bộ. Tuy nhiên, mức độ và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố, đó là đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt, cần cân nhắc kỹ các đối tượng như công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, đối với người lao động bị suy giảm sức khoẻ, làm công việc nặng nhọc hoặc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, đặc biệt là nặng nhọc thì có quyền nghỉ hưu sớm hơn. Về cơ bản đại biểu tán thành; về việc áp dụng, đại biểu Rơ Chăm Long tán thành phương án 1, đó là tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2025.

Đại biểu Rơ Chăm Long cũng đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là người lao động về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH
Số lượt xem:3400
Bài viết liên quan: