TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC - TĐ KHEN THƯỞNG
Mô hình nhân viên tự động nhắc nhở biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
4-8-2021

Đã từ nhiều tháng trở lại đây, ai có việc đến liên hệ, làm việc với bộ phận một cửa thuộc Ủy ban nhân dân huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, đều có dịp được tiếp cận với một cô nhân viên trong trang phục công sở, chất giọng mềm mại, ấm áp đứng chào ngay ở sẳn trước khi vào. Đó không ai khác, chính là cô nhân viên tự động, sản phẩm sáng tạo này kết quả của giải pháp mang tên “Mô hình nhân viên tự động nhắc nhở tại công sở và một số địa điểm công cộng, góp phần ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Đắk Hà”, của nhóm tác giả do anh Trương Văn Thành, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Phòng Tư pháp huyện làm nhóm trưởng, chủ trì sáng tạo và làm ra, với mục đích chung tay tuyên truyền, nhắc nhở mọi người nâng cao cảnh giác, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. 

Là một cử nhân luật, nhưng trong con người Trương Văn Thành như luôn có đam mê với những ý tưởng mới, sáng tạo, lại có sẵn tinh thần nhiệt tình, năng nổ của một thủ lĩnh thanh niên. Kinh qua nhiều vị trí công tác, từ huyện đoàn Trương Văn Thành được luân chuyển về cơ sở, sau đó lại về huyện và nhận nhiệm vụ tại Phòng Tư pháp, được đoàn viên cơ quan tin yêu, bầu giữ trọng trách Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS). Có lẽ do đã có thâm niên làm công tác Đoàn thanh niên, vì vậy mà nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn cơ sở với anh cũng không nhiều bỡ ngỡ, bằng chứng là CĐCS cơ quan Phòng Tư pháp huyện luôn là một trong những CĐCS mạnh, có nhiều thành tích trong hoạt động những năm qua, gần đây nhất năm 2020 CĐCS do anh làm Chủ tịch vinh dự được nhận cờ của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum trao tặng, cá nhân anh được nhận “Bằng lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.

Bước vào năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng trên phạm vi nhiều nước, trong đó có nước ta. Hưởng ứng tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng chính phủ và phong trào thi đua góp sức cùng toàn dân phòng, chống dịch của tổ chức Công đoàn, Trương Văn Thành chủ động phối hợp cùng một vài đồng nghiệp là đoàn viên trong cơ quan, tạo thành một nhóm, đầu tư, nghiên cứu, viết giải pháp “Mô hình nhân viên tự động nhắc nhở tại công sở và một số địa điểm công cộng, góp phần ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Đắk Hà”. Bắt tay vào thiết kế mô hình, rồi lắp ráp, thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện và cho ra đời sản phẩm với những vật liệu, thiết bị điện tử có thể tìm mua ngay trên thị trường tại địa phương. Mô hình đưa vào sử dụng có chức năng tự động tuyên truyền cho mọi người về các biện pháp phòng, chống dịch khi được nhận diện, tương tác, phù hợp với cơ quan, đơn vị trường học và địa điểm công công.

Mô hình nhân viên tự động nhắc nhở phòng, chống dịch Covid-19 được làm bằng chất liệu alu, với khung sắt, cao 1,6m, bề ngang 50cm, mô phỏng theo hình ảnh của một nữ nhân viên công sở. Mô hình sử dụng hệ thống điện tử thông minh, tích hợp 01 cảm biến hồng ngoại và 01 loa điện nhỏ có công suất 40W, hoặc nhỏ hơn tùy khu vực, vị trí, không gian cho phù hợp. Loa được cài thẻ nhớ với nội dung nhắc nhở, tuyên truyền về việc phòng, chống dịch Covid-19. Mô hình được đặt ngay trước sẳn ra, vào công sở, hoặc nơi công cộng, khi người đến liên hệ công việc, đi qua mô hình, bằng bộ phận cảm biến bởi tia hồng ngoại, mô hình sẽ nhận diện và tự động phát nội dung cần tuyên truyền, nhắc nhở và hướng dẫn biện pháp cần làm để phòng, chống dịch Covid-19 đã được cài đặt. Nội dung tuyên truyền, nhắc nhở được xây dựng phù hợp với mỗi địa điểm và nhu cầu khác nhau.

Khi được hỏi về sáng kiến của mình, anh bộc bạch: Khi nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin cảnh giác về một loại bệnh nguy hiểm liên quan đến đường hô hấp, do Virus Corona gây ra trên người, sau này gọi chung là Covid-19, cũng như cơ chế lây lan của loại Virus này và cách phòng, chống. Khi ấy những nơi thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người như cơ quan, trường học, bộ phận một cửa… đều phải cắt cử ít nhất mỗi cơ quan một nhân viên đứng trực trước sẳn để nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc, người đến giao dịch, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Anh nghĩ như vậy rất mất công sức cho cơ quan và người được giao nhiệm vụ, từ suy nghĩ đó, anh đã nghĩ về ý tưởng nếu có được một Robot thay thế nhân viên làm việc đó thì tốt. Tuy nhiên để làm một Robot thì đòi hỏi phải có trình độ tay nghề cao, với những thiết bị hiện đại mới có thể làm và khi thành công thì cũng khó mà phổ biến được vì giá thành sẽ không rẻ. Vì lẽ đó, anh mời gọi cộng sự, cùng tìm tòi, bàn bạc, thiết kế một mô hình đơn giản hơn, phương châm là dễ làm, giá thành rẻ, kịp thời và phù hợp với thực tiễn yêu cầu công tác tuyên truyền phòng, chống dịch trên địa bàn. “Mô hình nhân viên tự động nhắc nhở tại công sở và một số địa điểm công cộng, góp phần ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Đắk Hà”, được tiến hành thiết kế, lắp ráp thử nghiệm và hoàn thiện đưa vào áp dụng. Khi sản phẩm ra đời hoàn thiện cả nhóm rất vui. Ngay sau khi báo cáo thành phẩm, UBND huyện Đắk Hà đã xét, công nhận phù hợp và triển khai cho áp dụng trên địa bàn huyện. Đưa vào sử dụng, sản phẩm nhận được nhiều điều khen ngợi, nhận xét đơn giản mà hiệu quả, hình ảnh được mô phỏng đặt trên khung mô hình có thể thay thế bằng nhân vật đại diện phù hợp cho các lĩnh vực và đối tượng cần tuyên truyền khác nhau. Một mô hình hoàn thiện đưa vào sử dụng chỉ giao động từ khoảng 2 đến 2,5 triệu đồng, đây được xem là mức giá mà nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đều có thể trang bị. Vì nếu đầu tư một lần số tiền 2,5 triệu đồng cho một cơ quan, so với mỗi cơ quan cần một người để làm nhiệm vụ này hằng ngày thì quả là một nguồn kinh phí không hề nhỏ.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, với những biến chủng mới ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Việc tăng cường nhiều phương pháp truyền thông để mỗi người nêu cao ý thức cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành Y tế, thì mô hình sáng kiến của anh Trương Văn Thành và các cộng sự vẫn đang là một giải pháp được áp dụng không chỉ trên địa bàn huyện Đắk Hà, mà đã và đang được một số đơn vị ngoài tỉnh áp dụng như, bộ phận một cửa của thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, một số cơ sở Mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và một vài cơ sở ở cấp huyện thuộc tỉnh Phú Yên. Sáng kiến “Mô hình nhân viên tự động nhắc nhở tại công sở và một số địa điểm công cộng, góp phần ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Đắk Hà” đã được Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh Kon Tum đánh giá cao và lập hồ sơ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét khen thưởng trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn phát động.

Bài và ảnh: Hà Thanh
Số lượt xem:3919
Bài viết liên quan: