Hôm nay trời mưa như chan như trút. Mưa Tây Nguyên đầu mùa thật dữ dội. Những hạt mưa đá cứ xối xả, ném xuống cây cối, mặt đường trắng xóa. Nó lại tát vào mặt những người đi đường với vẻ thích thú và cả sự lạnh lùng. Trong cơn mưa chiều ấy vẫn có một cô giáo lặng lẽ đi, lặng lẽ đi. Cô giáo ấy đi xin giấy vụn, quần áo cũ cho các em nhỏ.
Gặp tôi Thúy vội nhoẻn miệng cười nói trong cơn mưa:
- Chị giúp em với đưa bao giấy vào thềm, kẻo ướt hết.
Cô ấy thật lạ! Không sợ mình ướt mà sợ giấy ướt, tôi thầm nghĩ nhưng vẫn hì hà hì hục chạy ra giữa mưa trợ giúp cùng. Ôi chao! Một mớ lỉnh kỉnh giấy vụn, quần áo, sách vở... trăm thứ bà giằn được em tôi nhặt về hết. Nếu ai không biết sẽ nghĩ cô Thúy là cô buôn nhôm nhựa.
(Ảnh: cô Thúy tham gia ủng hộ người nghèo)
Đó chỉ là một trong những buổi hành trình rong ruổi không mệt mỏi của cô Thúy. Có lúc nhìn cô ấy tôi lại liên tưởng đến những chú ong thợ cần mẫn, hăng say trong lao động. Những chú ong đem lại cho đời những giọt mật thơm ngọt. Còn cô giáo này lặng lẽ đem lại cho mọi người nụ cười thiện lương và tấm lòng ấm áp. Nhìn em tôi chợt thấy mình nhỏ bé. Nhìn việc em làm tôi thấy mình may mắn. Bởi tôi đã được ghé những giọt nắng ấm áp để trái tim mình yêu thương nhiều hơn nữa.
Nếu ai gặp cô giáo này sẽ vô cùng ấn tượng bởi cô có nụ cười thật ấm áp, đôi mắt to tròn với gương mặt phúc hậu. Cô giáo ấy có tính cách vô cùng thân thiện, vui vẻ và một trái tim đầy nhiệt huyết. Năm 22 tuổi mang cả thanh xuân của mình đến với trẻ em ở vùng sâu vùng xa đó là trường mẫu giáo Đăpxy, huyện Đăk Hà tỉnh Kon Tum. Cô gái nhỏ bắt đầu sang một trang mới của tuổi trẻ. Cô từng tâm sự: “Được đứng trên bục giảng là hạnh phúc,là trách nhiệm và cả sự đam mê”. Vì vậy cô âm thầm sống và cống hiến. Ngôi trường mẫu giáo Đăpxy nơi cô công tác thiếu thốn vật chất, giáo viên. Học sinh đa số có hoàn cảnh khó khăn. Các bé thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Không chỉ vậy các bé bị suy dinh dưỡng vì thiếu sữa, thuốc men. Nhìn các bé gầy gò ốm yếu cô giáo trẻ đã rưng rưng đến nghẹn lòng. Những lời ru ngọt ngào, những tiếng hát nhẹ nhàng, những bài dạy dễ hiểu, và một tình yêu thương con trẻ vô bờ là sợi dây bền chặt vô hình kết nối giữa cô và các bé.
(Ảnh: cô Thúy đi thu nhôm nhựa, giấy vụn) (Ảnh: cô Thúy ủng hộ và chăm sóc những cụ già nèo đơn)
Con đường đến trường của cô giáo trẻ không bằng phẳng, không có hoa hồng hay thảm êm mà được thử thách bằng những chông gai chồng chất. Để đến trường cô phải vượt hơn một trăm km. Con đường đất nhỏ xíu, gập ghềnh, ngoằn ngoèo, lúc thì ổ voi to tướng, lúc thì những tảng đá nghiêng ngả, lúc thì có những con rắn nằm chờ chực như muốn nuốt chửng những vị khách không mời lỡ đạp trúng nó. Chưa hết hai bên đường cây cối um tùm, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng chim kêu thảng thốt. Mùa mưa đi đến trường phải ngã năm sáu lần thì mới đạt chỉ tiêu. Cách đây hai mươi năm cô giáo từ thị xã lên đến trường bao giờ cũng lấm lem quần áo, mặt mũi. Lớp trang điểm là hạt bụi màu đỏ, là bùn đen và cả những nụ cười tỏa nắng.
Khó khăn như vậy nhưng mà không thể giết chết được trái tim yêu nghề của cô giáo trẻ. Trong những năm công tác ở ngôi trường cô giáo trẻ say sưa nhiệt huyết trong từng bài dạy. Cô giáo trẻ đã thổi một luồng gió mới, ấm áp đến các bé mầm non. Cô đã góp thêm niềm vui cho con trẻ. Cô đã bù đắp một phần nhỏ bé sự thiếu thốn thiệt thòi cho các bé nơi đây. Để các bé đến lớp cô Thúy đến từng nhà học sinh vận động trẻ đi học. Để các con trẻ không khóc khi cha mẹ đi làm nương rẫy cô đã dành cho các em bằng tình yêu của người mẹ. Cô chăm sóc các con từng bữa ăn giấc ngủ. Cô yêu các con bằng trái tim ấm áp, nhân ái. Mỗi lần từ thành phố lên trường trên xe cô nặng trĩu nào là bánh kẹo, quần áo cũ, quần áo mới mà cô xin được từ các gia đình có điều kiện. Những chiếc xe nặng trĩu chở bao yêu thương và không bao giờ biết mỏi. Cô giáo cứ âm thầm sống, làm việc, cống hiến với một niềm đam mê cháy bỏng. Mười năm công tác ở vùng khó khăn là mười năm đầy gian truân vất vả. Không chỉ vậy cuộc sống gia đình cũng là phép thử đặc biệt dành cho cô giáo trẻ xinh đẹp. Lấy chồng là bộ đội, mọi gánh nặng lại chất thêm trên đôi vai bé nhỏ. Công việc nhà, công việc trường lại song hành trong cuộc đời của em. Sinh đứa con thứ nhất bé 1 tuổi cô đành đưa con về gửi ông bà chăm sóc. Bởi bố công tác xa nhà, mẹ ở vùng khó khăn làm sao chăm lo cho bé. Tiếp tục có bé thứ hai cô suýt hư thai vì bị ngã. Những vết thẹo trên chân trên lưng vẫn lưu giữ những kỉ niệm chát đắng của những năm tháng thanh xuân.
(Ảnh: cô Thúy giao lưu cùng người khuyết tật)
Tôi yêu mến và khâm phục cô giáo này vì cô có năng lực, sáng tạo, cống hiến hết mình trong sự nghiệp trồng người. Tôi cảm phục cô bởi đó là người vợ hiền mẹ đảm. Chồng công tác xa nhà hơn 20 năm cô một mình nuôi dạy con khôn lớn trưởng thành. Bao lần con ốm nặng, bao lần nước mắt rơi nhưng chưa bao giờ thấy cô than thở. Cô luôn là điểm tựa thật vững vàng cho chồng cho con. Sự thành công của chồng chắc chắn có sự hi sinh thầm lặng của cô. Cô hay đùa “ Là vợ lính phải hay cười. Bởi anh bộ đội là người rất vui.” . Tôi cảm thấy ngưỡng mộ và biết ơn cô giáo này. Bởi mấy chục năm cô giáo âm thầm đi làm việc thiện. Cô đi làm không tính tháng tính ngày, không tính công tính của, cũng không cần ai khen ngợi.
Nhớ lại những năm đầu cả nước lo lắng chống đại dịch Covid 19. Cô cũng là người xung phong đi nấu cơm tình nguyện. Gần 2 tháng đều đặn đến phục vụ khu cách li. Cô giáo chăm chút từng miếng thịt, từng bát canh cho mọi người. Những giọt mồ hôi, những nụ cười đã xua tan hết mệt mỏi cho bao người nơi ấy.
(Ảnh: cô Thúy cùng đoàn Thiện Tâm An Lạc nấu cháo cho các bé) (Ảnh: cô Thúy tham gia bán hàng từ thiệ
Không chỉ vậy cô còn tham gia đoàn thiện nguyện Thiện Tâm An Lạc. Đâu cần cô đều có, đâu khó cô xung phong. Cô Thúy cùng đoàn Thiện Tâm An Lạc đã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Tôi chỉ kể ra một số trường hợp đã được vòng tay nhân ái cưu mang giúp đỡ, trao yêu thương: Trường hợp em Phan Minh Tiếp, em đang học lớp 9, trường TH, THCS xã Đăk Cấm, tỉnh Kon Tum, con của mẹ Nguyễn Thị Xuân - hiện đang làm hợp đồng tại Bưu điễn xã, bố Phan Minh Tuấn - đang làm thợ hồ. Em Phan Minh Tiếp bị tai nạn gãy xương đùi, vỡ xương chậu, chấn thương sọ não, hiện nằm liệt giường. Đó là em Y Xoa, hiện em là học sinh lớp 7C, trường TH-THCS Hòa Bình. Khi sinh ra em đã mang một dị tật bẩm sinh ở mắt, em lại không có cha, mẹ thì bỏ em đi lấy chồng, em phải ở với ông bà ngoại đã già yếu tại thôn Plei Dơng - xã Hòa Bình - TP. Kon Tum. Đó là hoàn cảnh vô cùng xúc động 2 nạn nhân là em Nguyễn Quốc và em Nguyễn Trung Khánh bị đuối nước tại cầu treo Konlor, xã ĐăkRơ Va, TPKon Tum. Ngày (28/06/2023), Đoàn Thiện Tâm An Lạc và đại diện nhà các hảo tâm, cùng với đ/c Bí thư phường Thắng Lợi đã đến thăm, động viên và trao tổng số tiền mặt là 25.000.000 đồng (hai mươi lăm triệu đồng) cho gia đình để giúp gia đình có tiền lo hậu sự cho 2 bé... Tôi không thể kể hết những việc làm của cô giáo. Vì nó nhiều nhiều đến mức cô ấy không nhớ mình gom biết bao nhiêu tấn giấy vụn, mình đi đến với bao mảnh đời. Chỉ biết rằng cô giáo trẻ đi đến đâu nơi đó có nụ cười và hạnh phúc.
Tôi hay gọi cô giáo ấy là bông hoa của núi rừng. Một bông hoa không cần rực rỡ, nhưng âm thầm tỏa hương. Bông hoa ấy đã đem hương thơm đến từng xóm nhỏ, từng ngôi nhà, từng em thơ. Cô ấy là một bông hoa đẹp, ngát hương của ngành giáo dục. Tôi viết về em bằng tình cảm trân trọng và cả sự biết ơn. Bởi tôi hiểu thêm trái tim của nhà giáo không chỉ dành cho học sinh mà còn dành cho cộng đồng. Việc làm tử tế đôi khi không phải là điều gì quá to tát mà chỉ là những hành động nhỏ được xuất phát từ tình cảm chân thành. Tôi mong muốn em hãy luôn là bông hoa của núi rừng Tây Nguyên. Bông hoa ấy luôn khoe sắc tỏa hương để làm đẹp cho đời. Tôi luôn nhớ mãi phương châm sống của cô giáo Phạm Thị Thúy- Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đăk La, huyện Đăk Hà, Tỉnh Kon Tum: “ Sống là biết cho đi. Cho đi là hạnh phúc!”.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414429 Số người online: 153 |
Phát triển:TNC |