HOẠT ĐỘNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH
QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
3-6-2019
Theo đại biểu Quốc hội Rơ Châm Long: "Cần chuyển biến tư duy từ hỗ trợ chính sách sang đầu tư, quy hoạch chiến lược, phải coi việc ưu tiên, quan tâm cho miền núi, Tây Nguyên là trách nhiệm. Từ đó làm cơ sở để xác định rõ trách nhiệm của các bộ ngành trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện chính sách phát triển miền núi và Tây Nguyên.
AnhMinhHoa
Ảnh: Đại biểu Quốc hộ Rơ Châm Long- Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu

Sáng ngày 30/5/2019, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã tiến hành thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Trong phiên thảo luận này, đồng chí Rơ Châm Long, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum và 26 đại biểu Quốc hội của cả nước đã phát biểu ý kiến, 1 đại biểu Quốc hội tranh luận. Các đại biểu cơ bản tán thành với đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019 với nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua các chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch; Các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới mà Chính phủ đề ra. Các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề cụ thể để có giải pháp tháo gỡ như giải pháp quản lý giá cả; an toàn thông tin và an ninh mạng; giải pháp bảo đảm tăng trưởng bền vững; vấn đề điều hành giá điện; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; bảo đảm trật tự, an ninh xã hội; đấu tranh triệt phá tín dụng đen, tội phạm ma túy, trộm cắp, cướp tài sản, giết người man rợ; quản lý người nghiện ma túy; xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; triển khai sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng;...

Theo đại biểu Quốc hội Rơ Châm Long, Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá đầy đủ và khách quan kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, báo cáo nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đạt kết quả và hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Đáng lưu ý là tổng sản phẩm trong nước GDP đạt 7,08%, một số chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với báo cáo của Quốc hội tại kỳ họp 6, trọng tâm vào tăng trưởng kinh tế vĩ mô tạo bước chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và lãnh đạo điều hành ở tất cả các cấp, các ngành. Phải thừa nhận những thành tựu đạt được trong thời gian qua nói chung và 6 tháng đầu năm nói riêng là hết sức quan trọng chứng minh sự nỗ lực to lớn của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, đời sống về mọi mặt của người dân ngày càng được nâng lên, nông thôn nói chung và miền núi nói riêng cũng có nhiều đổi thay. Nông thôn mới với cuộc sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt, những chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo nên động lực mới để nông thôn, miền núi, Tây Nguyên bứt phá, đi lên thay đổi diện mạo của mình. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức sống, khoảng cách giàu nghèo vẫn còn khá xa và có xu hướng xa hơn. Một điều đáng quan tâm nữa là mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa người Kinh và dân tộc thiểu số ngày càng lớn, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là những người ít được hưởng lợi nhất của tăng trưởng kinh tế của đất nước. Người dân tộc thiểu số chiếm 15% dân số cả nước nhưng chiếm 70% nhóm đối tượng nghèo. Không chỉ ở miền núi, Tây Nguyên, ở nhiều vùng quê nhiều người còn nghèo khó về mọi mặt. Cần đánh giá, nhìn nhận sâu sắc và toàn diện hơn thực chất của vấn đề là chúng ta có gần 70% dân số dựa vào đồng ruộng, vườn, rẫy. Nhưng phải chăng việc sản xuất ở đây vẫn đang trong tình trạng tự bơi là chính, ở tâm thế “may nhờ rủi chịu”, chuyện được mùa mất giá, được giá mất, mùa, chuyện con gà, con lợn, quả cây hầu như phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch của biên mậu phải chăng là chứng minh cho tâm thế đó. Các hoạt động giải cứu diễn ra trong thời gian qua nói lên điều gì ? Giải cứu là cần thiết nhưng nếu cứ giải cứu mãi thì không ổn chút nào vì đó là biểu hiện của loay hoay, lúng túng và nếu cứ loay hoay, lúng túng như vậy thì chiến lược tam nông bao giờ tới đích. Kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước xác định là trụ cột và là bà đỡ của nền kinh tế quốc gia. Miền núi và Tây nguyên được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm, bởi vậy cần có sự tư duy mới hơn để có chiến lược mới, cách làm mới hơn cho vùng đất và con người nơi đây phát triển bền vững hơn. Thiết nghĩ với nông thôn nói chung và miền núi Tây Nguyên nói riêng, việc hỗ trợ để phát triển là cần thiết. Sự hỗ trợ của nhà nước đã đem lại nhiều kết quả tốt. Cần loại bỏ suy nghĩ coi hỗ trợ như là sự ban phát mà đó chính là trách nhiệm. Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ, các giải pháp tháo gỡ chỉ là những biện pháp giải pháp tình thế, mà như thế thì sẽ chưa giải quyết được một cách căn cơ thực trạng. Bởi vậy, cần chuyển biến tư duy từ hỗ trợ chính sách sang đầu tư, quy hoạch chiến lược, phải coi việc ưu tiên, quan tâm cho miền núi, Tây Nguyên là trách nhiệm. Từ đó làm cơ sở để xác định rõ trách nhiệm của các bộ ngành trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện chính sách phát triển miền núi và Tây Nguyên.

Báo cáo cũng đã nêu rõ các tồn tại và hạn chế, đáng lưu ý là sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, một số vấn đề còn chưa được giải quyết triệt để. Tôi cho rằng trong đó có vấn đề giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các dự án thủy điện có nơi có lúc còn chậm gây tiềm ẩn đến trật tự xã hội. Dự án thủy điện Đăk Drinh thuộc huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum là một trường hợp. Dự án được đầu tư khởi công tháng 9 năm 2009, trong đó dự án thành phần di dân, tái định cư đã thực hiện từ tháng 8 năm 2013 với số hộ đã di dời tới khu định cư mới là 192 hộ/843 khẩu. Sau hơn 5 năm di dời nhưng đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư - tái định canh vẫn chưa được thực hiện bồi thường, hỗ trợ đất cho các hộ dân có đất bị thu hồi, chưa cấp được đất cho các hộ tái định cư nơi ở mới, do vậy người dân thiếu đất sản xuất, thiếu lương thực, họ bỏ nơi tái định cư, quay về sinh sống tại nơi ở cũ, đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm. Do bồi thường, hỗ trợ, tái định canh, định cư chưa dứt điểm, nên các hộ dân bị thu hồi đất để bố trí tái định canh, tái định cư đòi lấy lại đất, tập hợp người dân chặn đường vào xã, thôn nơi có người dân tái định cư gây bức xúc, mất an ninh trật tự.

Như vậy, sau hơn 5 năm nhường đất để xây dựng thủy điện Đăk Đrinh đến nay, người dân vẫn chưa nhận được tiền bù đất rẫy với số tiền mà Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần thủy điện Đắk Đrinh chưa bồi thường, hỗ trợ gần 60 tỷ. Thực trạng này người dân rất bức xúc. Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã phản ánh, các cấp chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc, kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Mới đây, ngày 14 tháng 5 năm 2019 Bộ Công thương có công văn trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum nhưng cũng chưa nói rõ là khi nào giải quyết dứt điểm. Một lần nữa chúng tôi đề nghị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh triển khai ngay, xử lý dứt điểm tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum. Nếu không thực hiện đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngừng huy động công suất Nhà máy thủy điện Đăk Đrinh cho đến khi giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định canh, định cư của dự án. Đồng thời Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra điểm nóng trên địa bàn do sự chậm trễ xử lý tiền bồi thường, hỗ trợ tái định canh, định cư của dự án.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Kon Tum dự kiến phân bổ vốn trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 với nguồn vốn là hơn 182 tỷ đồng cho các dự án cầu, đường từ tỉnh lộ 617 đi quốc lộ 14 và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đến các xã ATK. Tuy nhiên, do tỉnh chưa bố trí vốn để thu hồi đủ 100% vốn ứng trước ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới thu hồi được 65,3%. Do các dự án này là các dự án cấp thiết cần được triển khai ngay để nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, vì vậy cử tri tỉnh Kon Tum đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020 để dự án sớm triển khai thực hiện./.

 

 

Hồ Nam- VPĐĐBQH Kon Tum
Số lượt xem:2344
Bài viết liên quan: