TIN TỨC, SỰ KIỆN TỈNH KON TUM
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
1-11-2019

Buổi sáng ngày 24/10/2019, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đ/c Tô Văn Tám - Phó Trưởng đoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội trường

Đ/c Tô Văn Tám - Phó Trưởng đoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội trường

Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 37 đại biểu Quốc hội cả nước đã tham gia phát biểu và tranh luận. Đa số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung sau: Đối với Luật Cán bộ, công chức, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu, tranh luận về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (như khái niệm về “người có tài năng”, phân loại người tài theo từng lĩnh vực, thẩm quyền quy định chính sách đối với người có tài năng tại địa phương…); Đối tượng là công chức; phân loại, đánh giá cán bộ, công chức; phân loại ngạch công chức; phương thức tuyển dụng, kiểm định chất lượng đầu vào công chức; tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi và tổ chức thi nâng ngạch công chức; công chức cấp xã; hình thức kỷ luật; thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định những điều cán bộ không được làm liên quan đến việc làm lộ bí mật nhà nước; chế độ đãi ngộ đối với công chức; vấn đề công khai minh bạch trong quá trình quy hoạch, tổ chức cán bộ; bổ sung quy định thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý. Đối với Luật Viên chức, các ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung như thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới; thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức; thi tuyển viên chức. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị nên bổ sung quy định chính sách ưu tiên người có tài năng đối với viên chức trong hoạt động công vụ.

Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 5 ý kiến vào dự án luật Luật Cán bộ, công chức về Vấn đề người có tài năng; Việc tuyển dụng công chức không qua xét tuyển; Các trường hợp kỷ luật; Phân loại công chức; Vấn đề công khai, minh bạch trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý... Theo đại biểu về các trường hợp kỷ luật quy định tại điểm a, b sửa đổi khoản 2 Điều 82 “trong thời hạn 12 tháng và 14 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực không được nâng ngạch, không được quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn”. Không được nâng ngạch nhưng có được nâng lương không? Theo đại biểu bị kỷ luật cũng không nên nâng lương, kéo dài thời hạn nâng lương. Đề nghị bổ sung vào đây là trong thời hạn này không nên nâng lương.

Trên thực tế thường xảy ra tình trạng khi cán bộ trẻ được quy hoạch hoặc bổ nhiệm thì dư luận rất quan tâm và hay đặt câu hỏi đồng chí này là con đồng chí nào, nếu đó là con cán bộ, công chức thì lại quan tâm hơn. Đại biểu cho rằng nguyên nhân chính do người dân thiếu thông tin, cử tri thiếu thông tin, vì thiếu thông tin nên họ đặt câu hỏi. Chúng ta biết, về nguyên tắc tất cả công chức đều có cơ hội và được tạo cơ hội như nhau trong quá trình thăng tiến, kể cả đó là thành phần xuất thân từ đâu, con cán bộ hay con người dân đều có cơ hội như nhau trong quá trình thăng tiến. Vấn đề ở đây là cần phải công khai, minh bạch trong quá trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Cho nên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nên bổ sung vào dự thảo luật này những quy định về vấn đề công khai, minh bạch trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý để người dân có đủ thông tin. Đồng thời, khi quy định luật như vậy người dân có điều kiện, công cụ để thực hiện quyền giám sát của mình đối với cán bộ, công chức, cũng như thực hiện quyền giám sát của mình đối với công tác cán bộ thì đầy đủ thông tin hơn.

Hồ Nam VPĐĐBQH
Số lượt xem:1436
Bài viết liên quan: