TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC - TĐ KHEN THƯỞNG
Công đoàn góp sức xây dựng quê hương Kon Tum
8-2-2023

Trải qua bao thăng trầm, qua nhiều chặng đường lịch sử, công đoàn tỉnh Kon Tum vẫn luôn làm tròn nhiệm vụ chăm lo đời sống của công nhân, viên chức, người lao động, làm chỗ dựa để các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) hăng hái thi đua, góp sức xây dựng tỉnh ta ngày càng phát triển.

Sau giải phóng năm 1975, Kon Tum là một tỉnh miền núi nghèo. Toàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy điện chạy bằng dầu Diezen, 1 nhà máy nước với công suất nhỏ, 11 xưởng công nghiệp tư nhân. Thủ công nghiệp có 5 lò rèn, 1 xưởng dệt tư nhân và 104 tiệm thủ công các loại. Dân số tỉnh Kon Tum năm ấy chỉ có 108.551 người, đội ngũ công nhân, viên chức có gần 5.000 người, trong đó số người là công nhân sản xuất công nghiệp rất ít.

(Ảnh: Đ/c Rơ Chăm Long - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng quà cho đoàn viên, NLĐ)

Công đoàn tỉnh lúc này mới được thành lập, vừa kiện toàn bộ máy tổ chức vừa tập trung triển khai tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, phát hiện và đấu tranh với những hành động phá hoại của bọn phản động, bảo vệ máy móc, thiết bị, tiếp quản tốt các cơ sở sản xuất, kinh tế của bọn địch tháo chạy. Đồng thời, cùng các cấp chính quyền trong tỉnh tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất và đời sống cho công nhân, viên chức, thực hiện nhiệm vụ cứu đói cho dân. Đến tháng 9/1975, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 công đoàn cơ sở, 35 công đoàn bộ phận, 106 tổ công đoàn và 44 tổ nữ công.

Cuối năm 1975, tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành lập, Công đoàn Kon Tum hợp nhất vào Ban Công vận tỉnh Gia Lai-Kon Tum, từ đây, đội ngũ đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động Kon Tum và Gia Lai cùng kề vai, chung sức xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Khi mới hợp nhất, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Gia Lai-Kon Tum có trên 15.000 người. Từ năm 1976, công tác khai hoang, định canh, định cư ở Gia Lai-Kon Tum được đẩy mạnh, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, phát động công nhân, viên chức cùng với nông dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất. Kết quả năm 1976, sản lượng lương thực quy thóc toàn tỉnh đạt 161 nghìn tấn, riêng sản lượng lúa đạt trên 100 nghìn tấn, đạt mức cao nhất so với trước ngày giải phóng. 

 

(Ảnh: Tặng quà cho đoàn viên, người lao động; Đại hội Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2023-2028)

Bên cạnh đó, để giải quyết bớt khó khăn, các cấp Công đoàn đã cùng với các cơ quan, xí nghiệp phát động công nhân, viên chức, lao động tăng gia trồng rau, trồng mì, chăn nuôi, gửi tiền tiết kiệm. Kết quả từ năm 1976 -7/1977, công nhân, viên chức, lao động đã sản xuất được 85.760 kg chất bột, 11.716 kg thịt, 81.325 kg rau xanh, góp phần cải thiện đời sống; đồng thời, có trên 15.000 cán bộ, công nhân, viên chức tham gia gửi tiết kiệm với số dư gần 600.000 đồng.

Trong giai đoạn này, song song với nhiệm vụ phát triển sản xuất, công tác xoá mù chữ cho nhân dân được tỉnh triển khai trên diện rộng. Các cấp Công đoàn đã phát động phong trào trong công nhân, lao động giúp nhau xoá mù chữ. Sau giờ tan ca, công nhân lao động lại chăm chỉ đến các lớp học bổ túc ban đêm. Nhiều xí nghiệp, nông trường còn tổ chức các lớp học bổ túc tại chỗ, bố trí sắp xếp công việc, động viên và hỗ trợ về vật chất cho công nhân, viên chức tham gia học tập. Kết quả, cuối năm 1977 tỉnh ta cơ bản xóa xong nạn mù chữ trong công nhân, viên chức.

Năm 1991, cùng với việc chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum được thành lập. Trong giai đoạn này, các cấp Công đoàn tỉnh phối hợp với Hội Nông dân đẩy mạnh phong trào công nhân, lao động phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của tỉnh, góp phần nâng diện tích gieo trồng lên trên 30.000ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc bình quân đầu người đạt 283kg/năm

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn chú trọng đẩy mạnh phong trào “Lao động sáng tạo” trong đoàn viên công đoàn, người lao động. Các đề tài, giải pháp khoa học không chỉ góp phần hoàn thành kế hoạch nhà nước hằng năm, mà còn tạo được môi trường để chăm lo, đào tạo và nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động. Tổng kết 5 năm lao động sáng tạo (1992-1997) toàn tỉnh có 17 sáng kiến và giải pháp với giá trị làm lợi trên 2 tỷ đồng, có 22 đồng chí được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen và Huy hiệu “Lao động sáng tạo”.

 

(Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Bùi Văn Cường (năm 2017) tặng quà cho CNLĐ; Phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS tại Thành phố Kon Tum)

Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp còn đẩy mạnh việc thi đua, thực hiện các phong trào; trong đó, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thi đua “dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… thu hút đông đảo đoàn viên tham gia. Từ các phong trào thi đua, tính từ năm 2008 đến nay, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh có 12.390 sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến, giải pháp hữu ích; có 568 đề tài nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, công tác quản lý; 352 công trình sản phẩm... đã tiết kiệm, làm lợi cho ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Công tác chăm lo đời sống đoàn viên, CNVCLĐ luôn được Công đoàn các cấp quan tâm. Thực hiện chủ trương về giảm nghèo, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống đoàn viên, người lao động, từ nguồn vốn “Quốc gia giải quyết việc làm” và vốn vay “Vì nữ CNVCLĐ khó khăn” do Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng đã kịp thời giải ngân cho 4.771 lượt người vay để phát triển kinh tế hộ gia đình đem lại hiệu quả góp phần tạo việc làm. Từ năm 2007 đến nay có 281 căn nhà “Mái ấm Công đoàn” được xây dựng mới và sửa chữa cho 281 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn mà chưa có nhà ở hoặc nhà ở tạm bợ với tổng số tiền hơn 9,9 tỷ đồng.

Có thể thấy, dù ở giai đoạn nào, trong hoàn cảnh nào, Công đoàn tỉnh Kon Tum luôn làm tròn nhiệm vụ chăm lo đời sống cho đoàn viên, CNVCLĐ,  duy trì và phát triển mạnh mẽ, phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Bài và ảnh: Văn Tùng - Ngô Anh
Số lượt xem:438
Bài viết liên quan: