TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC - TĐ KHEN THƯỞNG
Công đoàn tỉnh Kon Tum Tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn
26-7-2019

Quá trình hình thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trải qua các thời kỳ lịch sử cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành chính quyền cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu cùng với nhân dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc, xứng đáng là giai cấp tiên phong, lãnh đạo trong mỗi thời kỳ cách mạng.

Ảnh: Đồng chí A Pớt- Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chúc mừng CNVCLĐ tỉnh tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh - sinh thời khi Người đang còn hoạt động ở nước ngoài, mang tên Nguyễn Ái Quốc đã sớm gia nhập tổ chức Công đoàn Kim khí Quận 17 Paris- Pháp năm 1919; là người đã đặt nền móng, xây dựng cơ sở lý luận và tổ chức cho sự ra đời tổ chức Công hội cách mạng ở Việt Nam ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX.
Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” viết năm 1927, nhấn mạnh về tính chất và nhiệm vụ của Công hội Đỏ, Người viết: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc gia, giúp cho thế giới”.

Như một tất yếu của lịch sử, các tổ chức Công hội sơ khai ở trong nước ra đời, đặc biệt là tổ chức Công hội Đỏ do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng sáng lập (năm 1921) đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam, tạo một bước ngoặt to lớn trong lịch sử phong trào đấu tranh của công nhân, đó là chuyển sự đấu tranh từ tự phát sang đấu tranh tự giác. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội đỏ, ngày 28/7/1929, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Công đoàn Việt Nam. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua 90 năm, tổ chức Công đoàn Việt Nam hình thành, xây dựng và phát triển. 90 năm ấy so với chiều dài lịch sử của một dân tộc thì mới là “Một chặng đường” khởi đầu. Nhưng trên chặng đường đó, tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ Việt Nam đã đánh dấu nhiều mốc son lịch sử chói lọi. Từ khi thành lập đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng với nhiều tên gọi khác nhau song Công đoàn Việt Nam vẫn là tổ chức duy nhất do Đảng sáng lập và lãnh đạo; là thành viên nòng cốt của khối liên minh Công – Nông – Trí và đại đoàn kết toàn dân; là sợi dây nối liền Đảng Cộng sản với giai cấp công nhân và là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước trong mọi hoạt động. Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân, một tổ chức thống nhất về chính trị, tổ chức. Công đoàn Việt Nam luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nhằm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động ngày càng tốt hơn.

Đối với tỉnh Kon Tum, một tỉnh miền núi cực Bắc Tây Nguyên sự hình thành, ra đời và phát triển của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn có muộn hơn so với cả nước. Hưởng ứng lợi kêu gọi Tổng khởi nghĩa toàn quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm ngày 23/8/1945 một nhóm trí thức, viên chức yêu nước và binh lính tiến bộ ở Kon Tum đã bí mật tổ chức họp bàn về việc tổ chức giành chính quyền. Việc giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum riễn ra rất nhanh chóng, không phải nổ súng, sáng ngày 28/8/1945 Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tổ chức cuộc mít tinh tại sân vận động trung tâm thị xã Kon Tum, trong đó có khoảng 200 công nhân Nhà đèn, công nhân tự do, viên chức, binh lính bảo an tham gia nhằm biểu dương tinh thần và tập hợp lực lượng.

Trong điều kiện đã có chính quyền, lực lượng công nhân, viên chức phát triển ngày càng đông, nhiệm vụ của Đảng lúc lày là phải tập hợp họ lại và đưa vào hoạt động trong một tổ chức, góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền. Cuối tháng 10/1945 tổ chức Công nhân cứu quốc-Tiền thân của tổ chức công đoàn ỏ tỉnh Kon Tum được thành lập, đồng chí Hồ Phương được giao nhiệm vụ phụ trách công tác Công vận. Ban Công vận có 02 đồng chí, tuy chưa có Ban Chấp hành nhưng nhờ có chính sách, Điều lệ của Việt Minh nên mọi công việc đã nhanh chóng ổn định và sau đói Hội Công nhân cứu quốc ở các cơ quan của các lực lượng cách mạng ở tỉnh Kon Tum lần lượt được thành lập.

Mặc dù ra đời muộn hơn một số tỉnh, thành phố khác nhưng tổ chức Công đoàn tỉnh Kon Tum luôn là đầu mối tập hợp, vận động công nhân, lao động thực hiện đường lới, chủ trương của Đảng. Sự ra đời của tổ chức công đoàn tỉnh Kon Tum đã góp phần đưa phong trào công nhân có sự chuyển biến mới trong chỉ đạo, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đời sống, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực góp phần vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, đánh thắng Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược và thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975.

Từ năm 1976 đến năm 1991, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được sáp nhập thành tỉnh Gia Lai-Kon Tụm, đến cuối năm 1977 đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức tỉnh Gia Lai- Kon Tum đã có sự trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng, thời điểm này toàn tỉnh có trên 27.000 cán bộ, công nhân, viên chức. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum và Tổng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh Giai Lai-Kon Tum đã trải qua 4 kỳ Đại hội. Ngày 12/8/1991, Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành 02 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Tháng 10/1991 tỉnh Kon Tum và tổ chức Công đoàn tỉnh chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Từ khi thành lập đến nay, tổ chức Công đoàn tỉnh Kon Tum đã trải qua 10 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội là một mốc son quan trọng đánh dấu và khẳng định sự trưởng thành, phát triển mạnh mẽ của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn tỉnh Kon Tum; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn; đặc biệt trong giai đoạn hiện nay công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn tỉnh luôn đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH; góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định, phát triển bền vững; cùng với cả nước vững chắc tiến lên trên công đoàn đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa...

Ảnh: Tuyên dương Chủ tịch CĐCS tiêu biểu tại Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, đồng chí A Pớt- Phó Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông tin một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Với vai trò chủ thể, đại diện cho CNVC-LĐ trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trong những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nghị quyết công đoàn các cấp, tập trung đổi mới nội dung hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy đoàn viên và người lao động làm đối tượng vận động; lấy việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động. Với nhiều hoạt động thiết thực, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kịp thời tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo CNVC-LĐ, góp phần xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Các phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi"... đã khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng trí tuệ, tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất của CNVC-LĐ. Công tác chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tổ chức công đoàn quan tâm thực hiện với nhiều nội dung, cách làm cụ thể, thiết thực như: Hỗ trợ CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn xây nhà “Mái ấm Công đoàn”, chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, chương trình phúc lợi đoàn viên... Từ thực tiễn các phong trào thi đua yêu nước, CNVC-LĐ đã được rèn luyện, trưởng thành; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tạo động lực mới, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của cán bộ, CNVC-LĐ, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.  Những kết quả đạt được của các cấp Công đoàn trong tỉnh góp phần làm cho công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn ngày càng tin tưởng, gắn bó hơn và coi tổ chức Công đoàn là chỗ dựa vững chắc, là mái ấm của đoàn viên và người lao động, từ đó nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, sáng tạo, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội đề ra.

Thời gian tới, trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện các cam kết về lao động, công đoàn khi Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình Dương và các hiệp định thương mại khác; sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới tạo ra nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức; ở trong nước, các thế lực thù địch có thể lợi dụng, lôi kéo, kích động người lao động đình công, gây mất trật tự, an toàn xã hội... Đối với tỉnh ta, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn; các doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ, sử dụng ít lao động, hiệu quả kinh doanh hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp. Tình hình đó đặt ra cho giai cấp công nhân, người lao động nói chung, tổ chức Công đoàn trong tỉnh nói riêng những yêu cầu mới, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động. Đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của Công đoàn theo hướng góp phần đảm bảo quyền an sinh xã hội. Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cán bộ Công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

2. Tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động. Chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động Công đoàn, chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet và mạng xã hội. Tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp; đời sống tinh thần lành mạnh cho người lao động. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền đồng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn.

3. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

4. Nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với điều kiện sống, làm việc, công tác của cán bộ, CNVCLĐ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao.

5. Thực hiện toàn diện và chất lượng công tác nữ công ở các cấp công đoàn, trọng tâm là quyền và việc làm bền vững của lao động nữ; xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; chăm lo tốt hơn con công nhân, viên chức, lao động.

6. Chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam; phát huy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động công đoàn.

7. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát công đoàn. Kiện toàn ủy ban kiểm tra và văn phòng ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

8. Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả; xây dựng nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

9. Đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy người lao động làm trung tâm; hoạt động chủ yếu ở cơ sở; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới; phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện./.

Rơ Chăm Long- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Số lượt xem:2952
Bài viết liên quan: