TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM
Công ty Điện lực Kon Tum. Điểm sáng về An toàn - Vệ sinh lao động.
8-6-2018
cán bộ làm công tác AT-VSLĐ chuyên trách và bán chuyên trách cấp công ty và cấp Điện lực gồm 14 người; 24 an toàn vệ sinh viên; số lượng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ phải được kiểm định, khai báo với các cơ quan chức năng trước khi đưa vào sử dụng là 34 thiết bị.
AnhMinhHoa
CNLĐ Công ty Điện lực Kon Tum luôn đảm bảo công tác ATVSLĐ

Với ngành nghề, nhiệm vụ chủ yếu là kinh doanh điện năng, hoạt động phân phối và bán lẻ điện đến cấp điện áp 35 KV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cung cấp điện cho đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum; ngoài ra còn thục hiện chức năng tư vấn lập dự án đầu tư, đấu thầu, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công các công trình đường dây và trạm biến áp có quy mô đến cấp điện áp 35 KV; xây dựng, cải tạo lưới điện, sửa chữ, thí nghiệm các thiết bị điện đến cấp điện áp 35 KV. Là một trong những ngành đòi hỏi phải bảo đảm thực hiện nghiêm ngặt về công tác an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) trong sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ an toàn tính mạng con người, tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp. Với đội ngũ cán bộ kỹ sư và CNVCLĐ của công ty hiện có 356 người được đào tạo căn bản, có chuyên môn và tay nghề vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, quản lý, kinh doanh, đóng vai trò chủ lực trong việc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua.

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sự đem lại hiệu quả về tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm tiêu hao điện năng, chi phí …, ngoài việc nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty luôn chú trọng công tác AT-VSLĐ đối với đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất, nhất là ở những vị trí làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ); theo đó, hàng năm Công ty đã xây dựng kế hoạch AT-VSLĐ và triển khai đến các đơn vị trực thuộc thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác AT-VSLĐ, Hội đồng Bảo hộ lao động (BHLĐ) theo chức năng, nhệm vụ; tổ chức mua sắm, trang cấp phương tiện phòng hộ cá nhân theo danh mục nhóm ngành, nghề đảm bảo đầy đủ, đúng quy định; tổ chức huấn luyện công tác AT-VSLĐ định kỳ cho đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động theo quy định của pháp luật; duy trì mạng lưới an toàn vệ sinh viên các cấp; bố trí lực lượng cán bộ làm công tác AT-VSLĐ chuyên trách và bán chuyên trách cấp công ty và cấp Điện lực gồm 14 người; 24 an toàn vệ sinh viên; số lượng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ phải được kiểm định, khai báo với các cơ quan chức năng trước khi đưa vào sử dụng là 34 thiết bị.

Với hệ thống vận hành, cung cấp điện ngày càng mở rộng đến các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa có địa hình chia cắt, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão; vừa phải bảo đảm an toàn cho người lao động, vừa phải bảo đảm an toàn lưới điện trong vận hành, cung cấp điện sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân..., vì vậy công tác kiểm tra AT-VSLĐ, xây dựng, phổ biến nội quy, quy trình vận hành các loại máy móc, thiết bị; quy trình kỹ thuật an toàn khi leo và làm việc trên cột điện, quy chế an toàn điện v.v… đã được công ty triển khai thường xuyên, kịp thời nhắc nhở, phát hiện các trường hợp nguy cơ mất an toàn lao động để có biện pháp chủ động phòng tránh hoặc khắc phục, sửa chữa kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất các nguy cơ mất an toàn, hoặc tai nạn lao động có thể xảy ra. Để góp phần làm tốt công tác AT-VSLĐ, trong những năm qua Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Giám đốc công ty tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, trong đó phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” đã được triển khai mạnh mẽ; mỗi phòng ban công ty, cơ quan điện lực huyện, thành phố, các đơn vị, bộ phận trực thuộc đều tích cực đăng ký thi đua với từng tập thể, cá nhân, tạo nên không khí thi đua làm việc sôi nổi, thiết thực. Qua những phong trào thi đua này đã có nhiều giải pháp, sáng kiến về cải tiến kỹ thuật máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, vận hành nhằm giảm tổn thất điện năng, an toàn hệ thống lưới điện… đã được áp dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, làm lợi và tiết kiệm chi phí sản xuất hàng tỷ đồng; nhiều tập thể, cá nhân đã được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và được các cấp vinh danh, khen thưởng v.v…

Công tác AT-VSLĐ tại Công ty Điện lực Kon Tum thực sự là điểm sáng, bởi trong những năm vừa qua nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, giải pháp của ngành và công ty về đảm bảo AT-VSLĐ là một trong những mục tiêu hàng đầu phải đạt được với phương châm “Sản xuất phải an toàn an toàn để sản xuất”, bởi nếu để xảy ra tai nạn lao động hoặc mất an toàn lao động thì khoản chi phí xử lý, khắc phục những thiệt hại đối với con người, tài sản sẽ rất lớn. Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua Công ty Điện lực Kon Tum đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về AT-VSLĐ, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, không để xảy sa các sự cố đáng tiếc nào, cả về máy móc, thiết bị và con người.

Hưởng ứng “Tháng hành động về AT-VSLĐ lần thứ 2 năm 2018, trước đó tại Hội nghị người lao động hàng năm Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đã phối hợp với Ban Giám đốc Công ty tổ chức ký cam kết AT-VSLĐ năm 2018 đến các công đoàn cơ sở thành viên; ban hành Quy chế “Nói không với tai nạn lao động“; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở người lao động, người sử dụng lao động chấp hành quy trình, quy phạm, an toàn kỹ thuật trong lao động, sản xuất; nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn thi hành Luật an toàn vệ sinh lao động 2015; tham gia giám sát thực hiện các chế độ chính sách về AT-VSLĐ; phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV, đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm AT-VSLĐ” trong toàn Công ty; tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh“ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tạo không gian lao động và làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả; việc làm, thu nhập của người lao động được đảm bảo, tiền lương bình quân đạt 15.650.000 đồng/người/tháng; công tác AT-VSLĐ được giữ vững, thực sự là “Điểm sáng an toàn“ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Bài viết: Nghiêm Xuân Bang (PCT LĐLĐ tỉnh)
Số lượt xem:2980
Bài viết liên quan: