TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC - TĐ KHEN THƯỞNG
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG ĐOÀN TỈNH KON TUM (28/10/1945-28/10/2024)
28-10-2024

Hưởng ứng lợi kêu gọi Tổng khởi nghĩa toàn quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm ngày 23/8/1945 một nhóm trí thức, viên chức yêu nước và binh lính tiến bộ ở Kon Tum đã bí mật họp bàn tổ chức giành chính quyền. Việc giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum diễn ra rất nhanh chóng, không phải nổ súng, sáng ngày 28/8/1945 Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tổ chức cuộc mít tinh tại sân vận động trung tâm thị xã Kon Tum, trong đó có khoảng 200 công nhân Nhà đèn, công nhân tự do, viên chức, binh lính bảo an tham gia biểu dương tinh thần và tập hợp lực lượng.

(Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945)

Sau khi giành chính quyền về tay cách mạng, chính quyền cách mạng tỉnh Kon Tum phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức, lực lượng cách mạng rất mỏng, trình độ dân trí thấp, cơ sở sản xuất công nghiệp hầu như không có gì, số công nhân giao thông, đồn điền sau cách mạng đã trở về với gia đình, tất cả phải dồn lực đối chọi với giặc đói, giặc dốt, tích cực chuẩn bị tiềm lực cho kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Phong trào công nhân và công đoàn ở Kon Tum lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào công chức, trong bộ máy nhà nước, người làm công trong các công sở, đồn điền nhỏ. Đời sống của công nhân, lao động khó khăn, lương thực khan hiếm, muối ăn không có, dụng cụ sản xuất thiếu thốn nghiêm trọng, tổ chức công đoàn chưa thành lập. Trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện đã có chính quyền, khi lực lượng công nhân, viên chức phát triển ngày càng đông, cần phải tập hợp họ lại, đưa họ vào hoạt động trong một tổ chức phù hợp để phát huy vai trò xây dựng và bảo vệ chính quyền. Đầu tháng 10 năm 1945 ở Kon Tum đã cử ông Hồ Phương và Trần Bá thay mặt công nhân, lao động đi dự hội nghị công nhân cứu quốc ở Trung Bộ do đồng chí Hồ Tùng Mậu chủ trì, để chuẩn bị cho đại hội công nhân cứu quốc các miền và tiến tới thống nhất tổ chức công đoàn trong cả nước. Hội nghị đã đánh giá phân tích tình hình, chỉ rõ những khó khăn của cách mạng Việt Nam sau khi giành chính quyền, đồng thời nêu nhiệm vụ khẩn trương củng cố kiện toàn xây dựng Hội công nhân cứu quốc, kêu gọi phát triển sâu rộng phong trào công nhân lao động vùng Chiến khu V (gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum).

Triển khai tinh thần chỉ đạo sau hội nghị công nhân cứu quốc ở Trung Bộ công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ cách mạng trong đội ngũ công nhân, lao động được tổ chức sâu rộng. Ở thị xã Kon Tum lúc bấy giờ đã mở nhiều hiệu sách báo, in ấn tài liệu tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước, Điều lệ của Công đoàn theo chủ trương xúc tiến mạnh công tác thành lập tổ chức Công đoàn thành hệ thống thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã, làng chú trọng đến cả số lượng và chất lượng. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng đã phát triển rộng khắp và tương đối đều, lực lượng công nhân, viên chức ở Kon Tum đã nâng cao ý thức tập hợp, đoàn kết xây dựng chính quyền cách mạng, gương mẫu trong hành động, hăng hái tuyên truyền hiểu biết về chế độ mới cho nhân dân, củng cố chính quyền cơ sở, tuyên truyền hướng dẫn công nhân, công chức bảo vệ công sở kho tàng, gom nhặt vũ khí giao nộp cho cách mạng; tích cực thi hành một số chính sách của Việt Minh để cổ vũ động viên Nhân dân như quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng nam nữ, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, xây dựng lực lượng cách mạng, lực lượng vũ trang, kêu gọi toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của cách mạng. Chính sách đoàn kết dân tộc được công nhân, lao động tuyên truyền người dân hưởng ứng nhiệt liệt, bước đầu đã tạo được niềm tin và mối liên hệ chặt chẽ giữa nhân dân, công nhân và chính quyền cách mạng.

Trong vòng chưa đầy một tháng, phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn ở tỉnh Kon Tum phát triển rất mạnh, đòi hỏi phải có một tổ chức chặt chẽ của công nhân, lao động thống nhất trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đáp ứng yêu cầu nguyện vọng đó, ngày 28/10/1945 tổ chức Công nhân cứu quốc ở Kon Tum được thành lập, là thành viên quan trọng của Mặt trận Việt Minh Kon Tum; đồng chí Hồ Phương được giao phụ trách công tác công vận. Ban công vận lúc này tuy mới chỉ có hai đồng chí, chưa có Ban Chấp hành nhưng nhờ có chính sách, điều lệ của Việt Minh nên mọi công việc cũng nhanh chóng ổn định. Tiếp sau đó Hội Công nhân cứu quốc trong các đơn vị lực lượng cách mạng Kon Tum lần lượt ra đời, toàn bộ công nhân lao động trong các nhà máy công sở, hội đoàn khác trong phong trào công nhân trước đó đều được tập hợp vào sinh hoạt trong Hội Công nhân cứu quốc. Những cán bộ chủ chốt được cử đi dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn cấp tốc ngắn ngày do Mặt trận Việt Minh tỉnh mở, sau các lớp học đó, anh chị em về hòa mình vào cơ sở, tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Việt Minh, của Đảng và Chính phủ cho công nhân, đồng thời vận động công nhân tích cực tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng nếp sống mới. Từ đây, lực lượng công nhân, viên chức, lao động cả nước, trong đó có đội ngũ công nhân lao động tỉnh Kon Tum đã được tập hợp trong một tổ chức thống nhất của người lao động cả nước, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp lao động, các ngành nghề thực hiện một mục tiêu chung của dân tộc là kháng chiến, kiến quốc.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban cách mạng, Công hội Kon Tum đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, triển khai nhiệm vụ cách mạng trước mắt, các công đoàn cơ sở được thành lập thay thế các chi hội công nhân cứu quốc trước đây; các đội tự vệ của cơ quan, đơn vị vũ trang được thành lập, có hơn 70% quân số là công nhân tham gia, nhiều đồng chí là cán bộ, công nhân, viên chức vừa công tác, vừa củng cố xây dựng chính quyền, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm. Sau khi ra đời, Hội Công nhân cứu quốc Kon Tum cùng với các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh như  Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên tích cực hoạt động, có những đóng góp to lớn, giữ vai trò nòng cốt trong các phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân và trong quản lý xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù ra đời muộn hơn một số tỉnh, thành phố khác nhưng tổ chức Công đoàn tỉnh Kon Tum luôn là đầu mối tập hợp, vận động công nhân, lao động thực hiện đường lới, chủ trương của Đảng đã góp phần đưa phong trào công nhân theo hướng đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đời sống, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực góp phần vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, đánh thắng Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum, đến cuối năm 1977 đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức tỉnh Gia Lai- Kon Tum đã có sự trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng, thời điểm này toàn tỉnh có trên 27.000 cán bộ, công nhân, viên chức. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum và Tổng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh Giai Lai-Kon Tum đã trải qua 4 kỳ Đại hội và gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ngày 19/9/1991 tổ chức Công đoàn tỉnh chính thức được tái lập và đi vào hoạt động.

(Ảnh: Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2023-2028)

Trải qua 79 năm hình thành, phát triển (28/10/1945 - 28/10/2024), trải qua 11 kỳ đại hội tổ chức Công đoàn tỉnh Kon Tum đã luôn đồng hành với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh. Với những đóng góp, cống hiến to lới của công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn tỉnh Kon Tum, ngày 21/10/2021 Tỉnh ủy Kon Tum đã thống nhất lấy ngày 28 tháng 10 hàng năm là Ngày truyền thống Công đoàn tỉnh Kon Tum.    

Thanh Bình
Số lượt xem:671
Bài viết liên quan: