HƯỚNG TỚI HỘI NGHỊ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN CNVCLĐ TỈNH KON TUM LẦN THỨ V
Khi bàn về thi đua, Các Mác, Ăng Ghen và Lê Nin đã chỉ ra rằng, thi đua là một tất yếu khách quan, được nảy sinh từ chính cuộc sống của con người. Con người sống trong xã hội luôn có quan hệ tiếp xúc với nhau, do đó tất yếu nảy sinh thi đua; điều đó cũng có nghĩa là, thi đua chỉ xuất hiện trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là phong trào thi đua của những người lao động tự mình đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, ở đó không có mâu thuẫn về lợi ich cá nhân với tập thể và xã hội cho nên mọi người đều muốn đem hết khả năng, trí tuệ của mình để xây dựng đất nước, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa là nhân dân làm việc cho chính mình và cũng chính mình là người thụ hưởng thành quả lao động đó. Trong phong trào thi đua mọi người đều có nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau; có điều kiện học tập, phấn đấu, rèn luyện, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ theo tinh thần “mình vì mọi người và mọi người vì mình”.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Điều đó có nghĩa là thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân, ý chí phấn đấu, phát huy sức mạnh cả về vật chất và tinh thần. Người khẳng định rằng “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc”, đồng thời Người đã vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ nhằm khơi dậy tinh thần, truyền thống thi đua yêu nước của cả dân tộc để phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 11 tháng 6 năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc để động viên đồng bào, chiến sỹ cả nước phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc lúc bấy giờ nhằm chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Đặc biệt Người đã chỉ rõ cách tổ chức phong trào thi đua ái quốc đó là phải xác định cho được: Mục đích, cách làm, lực lượng, khẩu hiệu, mục tiêu cụ thể, việc làm cụ thể của từng đối tượng thi đua…đồng thời Người nêu vấn đề về thi đua hết sức cụ thể đó là: “Làm cho mau - làm cho tốt - làm cho nhiều”. Lời hiệu triệu thi đua ái quốc và phương thức tổ chức phong trào thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong thời kỳ nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phê chuẩn và thực hiện các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)… đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.
Những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đã được công đoàn các cấp phát động, tổ chức sâu rộng trong đoàn viên và người lao động với tinh thần thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”; xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước… đã khơi dậy niềm tin, phấn khởi thi đua cống hiến của mỗi tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, các lĩnh vực ngành nghề của đời sống xã hội. Vấn đề học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước thời kỳ mới là việc làm rất quan trọng, cần thiết của tổ chức công đoàn; gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình, công đoàn phải là hạt nhân trong tổ chức, vận động đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua rộng lớn do Công đoàn và các cấp, các ngành phát động. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, lực lượng lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp rất đa dạng, đa ngành nghề, không kém phần phức tạp và khó khăn, nhất là đối với lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)… chiếm đa số lao động trực tiếp sản xuất, đang là vấn đề thách thức lớn trong việc tập hợp lực lượng, xác định nội dung, mục tiêu, biện pháp tổ chức các phong tào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ sao cho phù hợp, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động hưởng ứng và tham gia.
Khen thưởng tại hội thi tay nghề giỏi Công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum năm 2018 (ảnh minh họa)
Để phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới tiếp tục là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Vấn đề học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước thời kỳ mới của tổ chức Công đoàn, cần tập trung những nội dung chủ yếu đó là:
Thứ nhất, trong bối cảnh và tình hình mới, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, phải luôn thấm nhuần lời dạy của Người: “Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang cần có hai vấn đề: Một là, cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; Hai là, kế hoạch thi đua 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”. Tức là muốn thi đua có hiệu quả thì ngoài công tác tuyên truyền, động viên mọi người hưởng ứng, cán bộ phải đi sâu, đi sát phong trào, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn và phải quyết tâm thực hiện mục tiêu để giành thắng lợi.
Thứ hai, để tổ chức, phát động thi đua có hiệu quả, phải quán triệt và vận dụng đúng đắn phương pháp thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn, tránh tình trạng tổ chức phát động theo lối khoa trương, hình thức. Mục tiêu thi đua ngày hôm nay phải gắn liền với mục tiêu của sự nghiệp đổi mới; cùng với thi đua lao động sáng tạo, tăng năng suất lao động… phải thi đua thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Thứ ba, thi đua phải có mục tiêu cụ thể, có tổ chức giám sát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết. Mỗi phong trào thi đua dù ngắn hay dài đều phái động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho cá nhân, tập thể lập thành tích trong phong trào thi đua; đồng thời phải tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để phong trào thi đua kế tiếp đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Chỉ có như vậy thi đua mới trở thành phong trào của quần chúng và mới thực sự có ý nghĩa.
Thứ tư, công đoàn các cấp phải đổi mới cách thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh khoa trương, bệnh thành tích trong thi đua. Qua các phong trào thi đua phải xây dựng, phát hiện được những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến để bồi dưỡng, nhân rộng; đặc biệt chú ý phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người lãnh đạo, người đứng đầu, xây dựng môi trường thi đua dân chủ, đoàn kết; thi đua không phải là sự ganh đua, đố kỵ, hoặc có những hành vi lợi dụng để gây hại người khác, có như vậy thi đua mới thực sự trở thành động lực của mỗi người, hướng tới hoàn thiện mình, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414429 Số người online: 207 |
Phát triển:TNC |