Sáng 10/9, Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Ban Đảng trực thuộc Tỉnh ủy; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; lãnh đạo các doanh nghiệp có đông công nhân lao động và 57 cán bộ công đoàn công tác tại các cấp công đoàn trong tỉnh.
Ảnh: Hội nghị góp ý vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Rơ Chăm Long -Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kon Tum- Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, nhấn mạnh: “Bộ luật Lao động năm 2012 có vị trí đặc biệt quan trọng, đã điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên sau 6 năm thực hiện, Bộ luật Lao động năm 2012 vẫn còn bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các đạo luật khác như: Luật Dân sự, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn-Vệ sinh lao động,...Đồng thời, Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải quán triệt đầy đủ, đúng đắn Nghị quyết số 06-CT/TW ngày 05/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” và từng bước thực hiện có hiệu quả các Công ước của ILO về Lao động”.
Báo cáo đề dẫn hội nghị, đồng chí Lê Ích Dàng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trình bày tóm tắt về: Sự cần thiết và mục đích sửa đổi Bộ luật Lao động; bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và gợi mở một số nội dung quan trọng của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến góp ý của đại biểu dự hội nghị.
Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu dự hội nghị đã thảo, thống nhất dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được soạn thảo công phu, khoa học, bố cục chặt chẽ. Các đại biểu đã tập trung đi sâu vào một số nội dung của Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: Vấn đề mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm giờ; tuổi nghỉ hưu; tiền lương; tổ chức đại diện người lao động; đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tranh chấp lao động và đình công; một số nội dung đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới;...
Đóng góp về nội dung “Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 35)”, đa số đại biểu đồng ý với Phương án 1 “Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không vì lý gì mà chỉ cần thời hạn báo trước”. Nếu phương án này được lựa chọn sẽ giúp cho đa số người lao động sẽ tìm được việc làm tốt hơn phù hợp với năng lực, sở trường và có thể có thu nhập tốt hơn; đồng thời cũng giúp cho người sử dụng lao động có những giải pháp tốt hơn trong việc bố trí sử dụng và thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với người lao động để giữ chân họ.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, đa số các đại biểu thống nhất theo Phương án 1 “Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành quy định cụ thể danh mục các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và danh mục các nghề nghiệp được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi hoặc muộn hơn 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Về thời giờ làm việc, làm thêm giờ, phần đông đại biểu dự hội nghị thống nhất đề nghị Quốc hội, Đại biểu Quốc hội xem xét điều chỉnh thời giờ làm việc tại Khoản 1 Điều 106 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) “Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần” thành “Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 44 giờ trong một tuần”; và giữ nguyên quy định thời gian làm thêm giờ “không quá 300 giờ trong một năm” như quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012.
Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, đa số các đại biểu thống nhất với nội dung trong dự thảo và cho rằng nội dung này phù hợp với tiêu chuẩn, nguyên tắc và quyền lao động của người lao động và của người sử dụng lao động được quy định tại các Công ước quốc tế của ILO về lao động; đồng thời phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414429 Số người online: 95 |
Phát triển:TNC |