TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM
Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum với công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình trong CNVCLĐ
16-8-2018
Công tác tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của CNVCLĐ,vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp công đoàn đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
AnhMinhHoa
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao thưởng tại Hội thi kiến thức pháp luật và gia đình trong nữ CNVCLĐ

Luật phòng chống bạo lực gia đình do Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Đây là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể chế hóa chủ trương và đường lối của Đảng, Nhà nước về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. Việc thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của từng gia đình và toàn xã hội, trong đó có tổ chức Công đoàn.

Ngay sau khi có các văn bản pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng Liên đoàn,  Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đưa pháp luật về PCBLGĐ đi vào đời sống của CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh. Qua 10 năm triển khai, tổ chức thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức Công đoàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện lồng ghép vào các hoạt động của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Phong trào “Xây dựng nông thôn mới”…Đồng thời gắn nội dung phòng chống bạo lực gia đình với việc đăng ký và bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Hàng năm, nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Ngày Quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, 100% các cấp công đoàn đã chỉ đạo các CĐCS xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn, tọa đàm biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu, tìm hiểu về giá trị của gia đình Việt Nam, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành. LĐLĐ tỉnh tổ chức 3 kỳ Hội thi “Kiến thức pháp luật và gia đình” trong nữ CNVCLĐ của tỉnh, với sự tham gia của 38 đội với 114 thí sinh; Năm 2013, phối hợp với Sở Lao động TB&XH tỉnh tổ chức Hội thi “Tìm hiểu chính sách pháp luật về bình đẳng giới trong CNVCLĐ tỉnh Kon Tum”, thu hút sự tham gia của 13 đội với 65 thí sinh, hơn 50 cán bộ, đoàn viên diễn các vai phụ trong các phần thi chào hỏi, tiểu phẩm và hàng trăm lượt CNVCLĐ về tham dự. Phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh mở 10 lớp tập huấn về công tác Bình đẳng giới, cho gần 1.000 lượt học viên. Tổ chức phổ biến Luật Bình đẳng giới được 1.297 buổi, có 169.745 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia.

Các cấp công đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động thực hiện xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; Đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng hoá công tác truyền thông các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác gia đình như: Chỉ thị 49/CT-TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư¬ Trung ương Đảng về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Quyết định số 629/TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020; phối hợp tuyên truyền thực hiện Đề án 343 "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Đề án 704 "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt" giai đoạn 2010 – 2015.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức trên 600 cuộc giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó chú trọng giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù đối với lao động nữ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe… Đề xuất giải quyết cho 601 nữ CNVCLĐ nghỉ các chế độ, tổng số tiền được chi trả là 605.691.000 đồng. Trên 90% nữ CNVCLĐ có thai thực hiện thăm khám thai trước khi sinh, khám thai định kỳ 3 lần, tỷ lệ nữ CNVCLĐ sinh đẻ tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ 100%.

Đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong tổ chức công đoàn, đồng chí Nghiêm Xuân Bang- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của CNVCLĐ, điều kiện sống của các gia đình CNVCLĐ đã được cải thiện đáng kể, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao, quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp công đoàn đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Có thể khẳng định, Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khoẻ, tinh thần của nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em – những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, hoạt động phòng chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân để xây dựng những gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hướng đến một xã hội phát triển, văn minh./.

 

Hồng Hà (Ảnh- Hồng Loan)
Số lượt xem:2626
Bài viết liên quan: