HƯỞNG ỨNG “THÁNG CÔNG NHÂN” NĂM 2020 - KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI
Trong chuyến đến thăm và nói chuyện với cán bộ giáo viên và học viên Trường cán bộ Công đoàn vào ngày 19/01/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”.
Cùng với tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, những lời di huấn của Người đối với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị cả về lịch sử và thực tiễn; đặt ra nhiều vấn đề thách thức trong tổ chức phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn, đòi hỏi người cán bộ công đoàn phải thẩm thấu sâu rộng về nhận thức, tầm nhìn vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hình thành và ra đời từ khi thực dân Pháp thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I, với nhiều xí nghiệp, nhà máy tập trung đông công nhân như: Xi măng Hải Phòng; dệt Nam Định, Hải phòng, Hà Nội; Đường sắt Vân Nam - Hải Phòng; các nhà máy xay xát ở Sài Gòn… có khoáng gần 10 vạn người. Sau chiến tranh Thế giới lần thứ I kết thúc, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ II nhằm tăng cường vơ vét, bóc lột nhân dân thuộc địa để bù đắp những tổn thất trong chiến tranh. Từ sự đầu tư vào công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp dẫn tới sự ra đời tất yếu của phương thức sản xuất Tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam; và cũng là điều kiện cơ bản làm xuất hiện một giai cấp mới - giai cấp công nhân Việt Nam; lúc bấy giờ đa số công nhân nước ta có nguồn gốc xuất thân từ nông dân, tuy vậy việc sớm tiếp thu truyền thống anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xân của dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam đã hăng hái đấu tranh với tư bản Pháp để đòi quyền lợi thiết yếu về tăng tiền lương, giảm giờ làm việc…
ảnh minh họa: Giải bóng chuyền nữ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh Kon Tum năm 2019
Từ khi chủ nghĩa Mác-Lê Nin được truyền bá vào Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ phong trào công nhân và các phong trào yêu nước trong các tầng lớp nhân dân lao động, tạo điều kiện quyết định sự ra đời các tổ chức Cộng sản và Công hội Đỏ ở Việt Nam, đặc biệt là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 (03-02-1930). Việc thành lập Công hội Đỏ Bắc kỳ - tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam có ý nghĩa hết sức to lớn đối với lực lượng công nhân lao động, đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức phong trào công nhân Việt Nam lúc bấy giờ; theo đó, việc thành lập tổ chức công đoàn đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mối quan hệ giữa phong trào công nhân Việt Nam với phong trào công nhân thế giới, đặc biệt là với công nhân và công đoàn Pháp đã được Cộng hội đỏ thiết lập.
Ngày nay, Đảng ta đã và đang tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, trên cơ sở bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn, đạt nhiều thành tựu vượt bậc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định, nâng tầm cao mới. Trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế hiện nay, giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ, thách thức rất lớn; môi trường lao động, việc làm đan xen nhiều thành phần kinh tế, da dạng các loại hình doanh nghiệp, trong đó lực lượng lao động ngoài khu vực Nhà nước chiếm đa số, nhất là ở các tập đoàn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân... ảnh hưởng không nhỏ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn với đoàn viên, người lao động.
Để thực hiện có hiệu quả những lời Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề công nhân và công đoàn Việt Nam, nhất là trong thời kỳ mới hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp phải thực sự thấm nhuần lời dạy của Bác; gắn việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vào thức tiễn công tác, yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đường lối, chính sách của Đảng phải đến nhanh, đầy đủ, chính xác và kịp thời với công nhân, có như vậy phong trào công nhân và hoạt động công đoàn mới thực sự đem lại hiệu quả; nghĩa là mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phải được công đoàn truyền đạt đến đông đảo công nhân, người lao động để họ đồng tình ủng hộ, chấp hành tốt, từ đó quyền lợi và nhu cầu của người lao động về việc làm, đời sống vật chất, tinh thần sẽ được nâng cao; xã hội phát triển phồn vinh, hạnh phúc; tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ là người đại diên chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động; giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để làm tốt điều này đòi hỏi người cán bộ công đoàn mà trực tiếp là cán bộ công đoàn cơ sở, cấp trên cơ sở… phải thực sự sâu sát công nhân, thậm chí cùng bám ca, bám máy với công nhân, bám kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp mà làm công tác tuyên truyền, vận động… lúc đó chính giới chủ cũng sẽ là người đồng hành, ủng hộ đưởng lối, chính sách của Đảng, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để công đoàn hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. tiến bộ.
Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 20/01/2008 của Ban chấp hành Trung ương (Khóa X) và Kết luận số 79-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI) là một trong những nhiệm vụ lớn của Đảng và tổ chức công đoàn thời kỳ mới. Vấn đề xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Một mặt, khi giai cấp công nhân phát triển lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, có trình độ chuyên môn, khoa học công nghệ cao; có tri thức và làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại… khi đó giai cấp công nhân sẽ đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu, nhiệm vụ cho thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo đường lối lãnh đạo của Đảng ta. Mặt khác, khi đội ngũ công nhân phát triển có trình độ tri thức cao, cống hiến cho sự nghiệp CNH, HĐH đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, nghĩa là khi đó họ đã có tầm nhận thức cao về phẩm chất chính trị, tư duy khoa học… đây chính là đội ngũ công nhân tiêu biểu để tổ chức Công đoàn giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bổ sung lực lượng vào tổ chức mình; lãnh đạo giai cấp công nhân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Hưởng ứng “Tháng Công nhân” 2020 và Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, chúng ta bồi hồi xúc động, tưởng nhớ và kính trọng những khát vọng cháy bỏng, thiết tha của Người đối với Đảng, với nhân dân ta trên con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp khỏi ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân, đế quốc; xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất để chúng ta có được cơ đồ, hạnh phúc như ngày hôm nay. Là cán bộ công đoàn chúng ta cần hiểu những lời di huấn của Người đó chính là nhiệm vụ, đồng thời là mệnh lệnh hành động cách mạng đối với tổ chức công đoàn trong mọi thời kỳ, giai đoạn; đòi hỏi mỗi người phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trước đoàn viên và người lao động./.
Trưởng ban Biên tập: Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh |
Địa chỉ: Số 166 đường U Re, thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum |
Email: congdoankontum@yahoo.com. |
Điện thoại: (0260). 3917319 hoặc 3914245; Fax: (0260).3862319. |
Tổng số người truy cập: 1414429 Số người online: 210 |
Phát triển:TNC |