GIỚI THIỆU MÔ HÌNH CÁCH LÀM HIỆU QUẢ
HƯỚNG TỚI HỘI NGHỊ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN CNVCLĐ TỈNH KON TUM LẦN THỨ V (2020-2025) VÀ ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC CNVCLĐ TOÀN QUỐC LẦN THỨ X
27-6-2020

NGUYỄN AN HUẤN - NGƯỜI ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI THẦY SAY MÊ SÁNG TẠO

Thừa hưởng truyền thống gia đình hai bên nội ngoại, từ nhỏ Nguyễn An Huấn đã ham học hỏi và ưa khám phá, tự mày mò sửa chữa các thiết bị sử dụng điện trong gia đình và giúp bà con lối xóm. Say mê với môn học vật lý từ những năm phổ thông, và rồi Huấn quyết định thi vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành điện kỹ thuật để thỏa niềm đam mê với ngành học mà mình yêu thích.

Ước mơ và những quyết định đầu đời

Những tưởng niềm đam mê và ước mơ của mình sẽ được toại nguyện qua kỳ thi đại học năm 1985 để rồi vững bước hướng tới con đường lập nghiệp trong tương lai; thế nhưng, tại kỳ thi năm ấy anh đã không đạt nguyện vọng mong muốn bước vào giảng đường Đại học với chuyên ngành mà mình đã chọn. Lúc bấy giờ việc vào học các trường cao đẳng, trung cấp không có gì khó khăn nhưng An Huấn quyết định đi học nghề điện tại cơ sở tư nhân ở thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai. Sau 2 năm miệt mài với công việc học nghề, đến năm 1987 hoàn thành, ra nghề và làm nghề sửa chữa điện tại Kon Tum. Từ đôi bàn tay, ý chí, sáng tạo anh đã bước sang lĩnh vực kinh doanh nghề sửa chữa điện và có được uy tín lớn với khách hàng, các cơ sở sản xuất, xí nghiệp, nhà máy, bệnh viện, trường học... đã giúp anh tích lũy, phát triển kỹ năng nghề ngày càng cao, đáp ứng mưu cầu cuộc sống của gia đình; cũng trong thời gian này anh đã đào tạo, truyền nghề cho khoảng 20 công nhân, hiện nay họ đang kinh doanh tại các hộ gia đình và làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… trên địa bàn.

Không từ bỏ ước mơ; bước chuyển mình trong lập nghiệp và say mê sáng tạo

Năm tháng dần trôi, công việc làm ăn, kinh doanh rất thuận lợi, bạn hàng ngày càng đông, thu nhập tốt, có khả năng ổn định lâu dài. Tuy vậy, để có căn cơ hơn trong công việc làm ăn, Huấn quyết định đăng ký, tham gia kỳ thi tay nghề tại trường nghề tỉnh Gia Lai với “Chứng chỉ nghề” bậc 5/7 và có thể gọi là cái “gậy làm ăn” của người thợ để khẳng định uy tín, chất lượng với bạn hàng. Vừa kinh doanh, vừa nghiên cứu sáng tạo với nghề nhưng không từ bỏ ước mơ, anh lại quyết định đăng ký kỳ thi tuyển sinh Đại học hệ đào tạo tại chức ngành Tự động hóa trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng niên khóa 1998-2003; một giai đoạn mới vừa học, vừa làm và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, trình độ tay nghề, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn… là điều kiện hết sức thuận lợi.

(ảnh: Đ/c Huấn (người ở giữa) nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam)

Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Đại học loại giỏi vào năm 2003 quả là xứng đáng với những gì mà An Huấn đã làm được sau nhiều năm tháng vất vả mày mò, nghiên cứu, đèn sách… để rồi cơ may đến ngay với anh sau khi tốt nghiệp ra trường, anh được nhận  vào làm giáo viên tại Trường dạy nghề tỉnh Kon Tum. Mặc dù thời điểm đó việc kinh doanh vẫn rất thuận lợi, thu nhập cao và có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận vào làm việc với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn, nhưng anh vẫn quyết định dấn thân vào con đường nghề nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng khoa học để thỏa niềm đam mê của mình. Khi vào trường được Ban Giám hiệu bố trí giảng dạy nghề Điện- Điện tử; đến năm 2007, khoa Điện- Tin học được thành lập và nhà trường được nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề Kon Tum, đó cũng được coi như một sự khởi đầu đưa anh đến với khoa Điện- Tin học; cảm nhận “được làm việc, giảng dạy, học tập tại cái nôi khoa học cơ bản, tiếp xúc với nhiều thầy cô dạy giỏi và tâm huyết, tôi càng thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn”… An Huấn nói!

Rồi thành quả đạt được

Trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học luôn có sự bổ trợ cho nhau, từ những kết quả nghiên cứu sẽ thổi hồn sao cho bài giảng sinh động hơn, mang tính ứng dụng thực tế cao hơn; động viên sinh viên tích cực tìm tòi, sáng tạo, vận dụng linh hoạt lý thuyết vào trong thực tiễn, học phải đi đôi với hành, mang những điều học được góp phần cải thiện môi trường sống, giúp ích cho cộng đồng…; từ đó anh cùng các đồng nghiệp tìm tòi thiết kế và sản xuất những mô hình dạy học, ứng dụng trong các bài học, mô đun môn học gắn liền trong thực tiễn của đời sống xã hội; thành quả tiêu biểu của anh đó là: Chủ trì và tham gia 11 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở như: Sản xuất nhà vườn thông minh; Nghiên cứu thiết kế, lắp ráp máy in 3D; Máy ổn áp tự động 1 pha kiểu servo motor bổ cắt; Giải pháp quản lý, mua sắm, cấp phát, sử dụng vật tư thực hành; 03 sáng kiến được hội đồng sáng kiến cấp tỉnh nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực đó là: Giải pháp quản lý chất lượng đào tạo nghề cho học sinh dân tộc thiểu số tại Trường trung cấp nghề Kon Tum; Mô hình Sơ đồ trải hệ thống kích từ máy phát điện công suất nhỏ; Sản xuất nhà vườn thủy canh thông minh giá rẻ; chủ biên 04 giáo trình môn học sử dụng trong giảng dạy (Máy điện 1; Máy điện 2; Thiết bị điện gia dụng; giáo trình E-lerning trồng rau sạch thủy canh).

Tháng 1 năm 2018, trên cơ sở sáp nhập 04 trường (cao đẳng Sư phạm; cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật; trung cấp Nghề; trung cấp Y) thành trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum; tuy môi trường công tác mới, song Nguyễn An Huấn vẫn luôn hết mực yêu nghề, say mê sáng tạo, trăn trở và khát khao cống hiến sao cho: Đối với đào tạo, bồi dưỡng, phục vụ nhiều bài học trong chương trình môn học/mô đun nghề trồng cây ăn quả, cây rau trong ngành nông nghiệp công nghệ cao; nghề Điện công nghiệp, đáp ứng được chương trình đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tại trường; đặc biệt sản xuất mô hình thực tập cho học sinh, sinh viên và chuyển giao công nghệ, thu hút được người học. Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, phát triển công nghệ mới, công nghệ cao; tạo sự say mê học tập, kích thích trí tuệ học sinh, phát triển nghiên cứu sâu hơn về thiết kế, sản xuất các nhà vườn phục vụ cho các loại cây trồng khác. Đối với kinh tế, xã hội, các giải pháp góp phần cung cấp thiết bị trong đào tạo nghề của nhà trường và mang lại lợi nhuận về kinh tế, giảm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề; với hoạt động kinh doanh dịch vụ, tiếp tục sản xuất, lắp đặt và chuyển giao công nghệ trong và ngoài tỉnh với những sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng.

Và những dấu ấn không thể nào quyên

Say mê nghiên cứu sáng tạo, rèn luyện phấn đấu trong công tác giảng dạy, đào tạo nghề cho sinh viên và định hướng giúp các em gắn bó với nghề đã được đào tạo để mưu sinh, lập nghiệp là nỗi niềm luôn thắc thỏm trong anh. Những công trình sản phẩm khoa học do anh nghiên cứu, sáng tạo không khác gì những đứa con được sinh ra rất đáng nâng niu, trân trọng; chỉ khác là nó được phục vụ ngay sau khi ra đời cho công tác giảng dạy của anh và các đồng nghiệp, đây là những công trình tiêu biểu, tạo dấu ấn sâu đậm nhất như “Sơ đồ dàn trải hệ thống kích từ máy phát điện công suất nhỏ”; “Máy ổn áp tự động một pha kiểu Servor motor bổ cắt”; “Sản xuất nhà vườn thủy canh thông minh giá rẻ”, bởi từ năm 2016-2019 những sản phẩm này đã tham gia “Hội thi thiết bị đào tạo nghề tự làm” cấp tỉnh đạt 02 giải nhì, 01 giải nhất; cấp toàn quốc đạt 02 giải khuyến khích, 01 giải ba; “Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật” cấp tỉnh đạt 01 giải khuyến khích và 02 giải ba.  

 Niềm vụi nhân lên và những kỷ niệm rất đỗi tự hào

Cùng với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, nay đổi lại là: “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” do tổ chức Công đoàn phát động, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nguyễn An Huấn là tấm gương sáng và tiêu biểu trong những phong trào thi đua này, là người đoàn viên, cán bộ công đoàn cơ sở, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên từng cương vị công tác của người thầy, người đảng viên, đoàn viên công đoàn, người cán bộ luôn sống, làm việc với tâm thế hết lòng, tận tụy, gương mẫu; trong nhiệm kỳ 2013-2018, bản thân anh đã 02 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng thưởng “Bằng lao động sáng tạo”. Đặc biệt vào năm 2015 niềm vui được nhân lên và những kỷ niệm lại ùa về trong cuộc đời của anh không thể nào quên và rất đỗi tự hào, bởi anh là những người đại biểu ưu tú nhất trong CNVCLĐ của tỉnh được Liên đoàn Lao động tỉnh bầu chọn tham gia đoàn đại biểu chính thức đi dự “Đại hội thi đua yêu nước CNVCLĐ Toàn quốc lần thứ IX” (2015-2020) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội; đại biểu duy nhất của Kon Tum tham gia đoàn đại biểu ưu tú của Tổng Liên đoàn dự Lễ báo công, giao lưu, gặp gỡ Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tich.

Thấm thoắt đã 5 năm, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ X (2020-2025) sắp tới, đất nước đang chuyển mình theo xu hướng phát triển chung của nền kinh tế; khoa học công nghệ và đổi mới là sức sống để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, làm thay đổi căn bản diện mạo xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, mức độ đầu tư cao cho nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ tạo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đòi hỏi những yêu cầu, những tố chất khác nhau, nhưng đều có khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi người phải có bản lĩnh đối mặt và vượt qua để đạt được thành công. Nghiên cứu khoa học là đem đến tầm cao của trí tuệ, đã lựa chọn con đường này thì cần phải say mê theo đuổi đến cùng và không nề hà khó khăn. Thành công của mỗi công trình, dự án nghiên cứu chính là niềm vui, động lực tiếp thêm sức mạnh để Nguyễn An Huấn tiếp tục say mê sáng tạo trong thời kỳ mới, cách mạng công nghiệp 4.0 đang là đỉnh cao của thời đại./.

Nghiêm Xuân Bang
Số lượt xem:813
Bài viết liên quan: