GIỚI THIỆU MÔ HÌNH CÁCH LÀM HIỆU QUẢ
HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP CAN THIỆP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỘNG TRUYỀN THÔNG, TƯ VẤN VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ KON TUM
29-9-2018
Nhằm phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, góp phần đáng kể vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ).
AnhMinhHoa
Đại biểu Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum báo cáo tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Tình trạng bạo lực gia đình hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng có chiều hướng gia tăng, đã trở thành vấn đề vô cùng bức xúc của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng. Bạo lực trong gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức: thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục…Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 2.489 vụ BLGĐ, trong số đó phụ nữ bị bạo lực là 1.983 người, trẻ em là 282 người, người già 224 người, có xu hướng tăng dần và mức độ nghiêm trọng cũng tăng theo. Tuy nhiên, con số trên mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trên thực tế, BLGĐ vẫn tồn tại và tiềm ẩn trong nhiều gia đình mà chính quyền địa phương, các cấp Hội, các cơ quan chức năng chưa thể phát hiện và xử lý.

  Nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do nhận thức, trình độ học vấn của một bộ phận người dân còn thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, còn mang nặng tính gia trưởng, độc đoán, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống BLGĐ; thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột. Ngoài ra,  do ảnh hưởng của tình trạng không có việc làm, vấn nạn tảo hơn và các tệ nạn xã hội tác động như cờ bạc, rượu chè, nghiện số đề, không có việc làm, kết hôn sớm… Hậu quả của mỗi hành vi BLGĐ dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động, ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc và trật tự xã hội.

Với phương châm “lấy gia đình làm trung tâm” để tác động, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa hoạt động phòng, chống BLGĐ bằng nhiều mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả như việc thành lập, duy trì hoạt động CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có người thân phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội”, CLB “Phòng, chống BLGĐ”…Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh đã thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, phát huy vai trò tích cực của phụ nữ và xã hội trong việc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Đặc biệt, năm 2010 Trung ương hội LHPN Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án “ Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu BLGĐ” do cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây ban Nha tài trợ tại tỉnh Kon Tum. Dự án được triển khai tại 14 xã, thị trấn thuộc 4 huyện, thành phố. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện đã tổ chức được10 chiến dịch truyền thông cộng đồng về phòng chống BLGĐ thu hút 2.963 người dân tham dự; tổ chức 10 hội thi “tìm hiểu kiến thức phòng chống BLGĐ và bạo lực học đường; phối hợp với Đài PTTH tỉnh và Báo Kon Tum đăng tải hơn 50 tin, bài. Kết quả hoạt động tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội, kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan chức năng để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của tổ chức Hội từng bước cụ thể hóa vai trò, vị trí, chức năng của Hội LHPN các cấp trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ theo quy định tại Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.

Lễ ra mắt mô hình Câu lạc bộ giáo dục gia đình

Các hoạt động phòng, chống BLGĐ được Hội LHPN tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương giảm số vụ BLGĐ. Với những kết quả đã đạt được nêu trên, tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình vừa qua Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh đã được, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trao bằng khen cho 01 tập thể và 01 cá nhân có thành tích xuất sắc, điển hình tiên tiến.

   Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống bạo lực gia đình,song Hội LHPN tỉnh cũng nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và các vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như: việc tổ chức các hoạt động truyền thông quy mô lớn, chuyên sâu còn khó khăn, chưa thường xuyên, công tác tuyên truyền chủ yếu là lồng ghép nên hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực gia đình trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn do nạn nhân bị bạo lực còn mặc cảm, e ngại, các thành viên gia đình còn che giấu, không quyết liệt tố giác hành vi bạo lực gia đình; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội có diễn biến phức tạp; định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong nhân dân; một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn rất chung chung nên trên thực tế còn khó áp dụng (ví dụ như quy định về quyền của nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam...). Những khó khăn nêu trên đòi hỏi trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh cần tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tiếp tục định hướng ưu tiên lựa chọn nội dung hoạt động để tổ chức trong hệ thống Hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình./.

Quỳnh Giao
Số lượt xem:1659
Bài viết liên quan: