GIỚI THIỆU MÔ HÌNH CÁCH LÀM HIỆU QUẢ
Công đoàn tỉnh Kon Tum với công tác xây dựng gia đình CNVCLĐ ấm no, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc
13-10-2018
Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã chỉ rõ “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.
AnhMinhHoa
Ảnh: Sinh hoạt Câu lạc bộ Nữ công với chủ đề sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình

Mỗi người chúng ta đều biết mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi tế bào khỏe mạnh góp phần tạo nên một “cơ thể” xã hội mạnh khỏe; gia đình là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; gia đình cũng là nơi tạo ra nguồn nhân lực cho xã hội, cho đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Là một tổ chức chính trị - xã hội, với chức năng tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, tham gia quản lý Nhà nước, Trong những năm qua, tổ chức Công đoàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" mà trọng tâm là "Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước". Thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về kiến thức xây dựng cuộc sống, ứng xử trong gia đình... Tuyên truyền, giáo dục gia đình CNVCLĐ gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình CNVCLĐ, thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, tích cực tham gia vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động tọa đàm trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc; gặp mặt, tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình gia đình CNVCLĐ tiêu biểu, gia đình có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gia đình có nhiều thế hệ chung sống hạnh phúc. Câu lạc bộ nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các Ban, tổ nữ công quần chúng ở các công đoàn cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học giỏi. Tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua trong nữ CNVC,LĐ điển hình như phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”...

Các phong trào cụ thể, thiết thực đó đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để CNVCLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phát huy năng lực, năng động sáng tạo trong công tác và lao động sản xuất. Không chỉ trong lĩnh vực công tác mà trong mọi mặt của đời sống, CNVCLĐ luôn khẳng định vai trò của mình trong việc xây dựng gia đình, từ việc chăm sóc cha mẹ già, nuôi dưỡng con cái, dạy dỗ những công dân tương lai, động viên các thành viên trong gia đình thực hiện tốt trách nhiệm công dân, trách nhiệm người lao động, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ. Kết quả từ các phong trào thi đua và triển khai các chương trình hành động về công tác gia đình trong 5 năm qua đã có 2.304 nữ CNVC,LĐ đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, 92 chị danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh”, cấp bộ ngành trung ương; có 12.111 lượt nữ CNVC,LĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” từ cấp cơ sở trở lên, đạt tỷ lệ 95 % trên tổng số nữ CNVC,LĐ; có 2.467 lượt cơ quan, đơn vị đạt chuẩn “Đơn vị văn hóa”, chiếm tỷ lệ bình quân trên 70 %; số gia đình CNVC,LĐ được các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng công nhận “Gia đình văn hóa” đạt trên 80 %...

Có thể khẳng định những kết quả đạt được trong công tác xây dựng gia đình CNVC,LĐ ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong những năm qua là rất đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết và chương trình công tác của các cấp công đoàn; đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung về văn hóa-xã hội của tỉnh nhà.

Trong giai đoạn tới, với sự tăng trưởng về kinh tế, sự phát triển về văn hóa, thông tin, sự giao lưu ngày càng mở rộng của đất nước, gia đình Việt Nam đang được thụ hưởng các thành quả của sự phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của con người, của các gia đình ngày càng được cải thiện; những giá trị nhân văn mới của gia đình cũng được tiếp thu, xây dựng và phát triển. Vì thế vai trò, vị trí của gia đình đối với con người và sự phát triển của đất nước đặc biệt được coi trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi cơ bản sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thức thức; những mặt trái của cơ chế thị trường, trong đó nổi bật và quan trọng nhất là việc giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa gia đình Việt Nam đó là sự hiếu nghĩa, thủy chung, kính trọng người già, yêu thương trẻ em, quan tâm đến người khuyết tật, gia đình khó khăn, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng...

Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã chỉ rõ “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ về công tác gia đình trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện chiến lược công tác gia đình Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, trong đó tổ chức công đoàn là nòng cốt trong cuộc vận động xây dựng nền tảng gia đình CNVC,LĐ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các cấp công đoàn cần chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao vai trò và phát huy hơn nữa chất lượng, hiệu quả của Ban nữ công, tổ nữ công quần chúng các cấp. Công đoàn các cấp cần phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp để lồng ghép các hoạt động về công tác gia đình; triển khai có hiệu quả các hoạt động bình đẳng giới, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt công tác chăm lo lợi ích đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Các cấp công đoàn cần tiếp tục chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và cơ quan chức năng cùng cấp tiếp tục nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính thiết thực, bền vững của công tác xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa.

Lê Văn Hào- Trưởng Ban Tuyên giáo Nữ công
Số lượt xem:1391
Bài viết liên quan: