GIỚI THIỆU MÔ HÌNH CÁCH LÀM HIỆU QUẢ
Liên đoàn Lao động tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp chăm lo quyền lợi người lao động
13-6-2018
Sau hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 04/QCPH-LĐLĐ-BHXH ngày 28/9/2012 giữa Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) trong tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT(bảo hiểm y tế), BH thất nghiệp.
AnhMinhHoa
Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thường trực Tỉnh ủy làm việc với LĐLĐ tỉnh Kon Tum.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Điều lệ Công đoàn Việt Nam; trên cơ sở quy chế phối hợp hoạt động giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Liên đoàn Lao động tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum đã ký kết Quy chế phối hợp hoạt động năm 2012. Sau hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả đầu tiên và quan trọng nhất là việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động, đã góp phần nâng cao ý thức, kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lao động và BHXH. Trong những năm qua, LĐLĐ tỉnh và BHXH tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, từ tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp, hội nghị tập huấn; làm phóng sự truyền hình; phát thanh; mở chuyên mục BHXH - BHYT trên Báo Kon Tum và một số bản tin ở địa phương, chuyên mục “Điểm tựa anh sinh xã hội” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho đến các hình thức tuyên truyền trực quan, như làm pa nô, áp phích, cờ phướn, băng rôn, biểu ngữ; phát hành trên 200.000 tờ gấp... đặc biệt, hai cơ quan đã phối hợp tổ chức thành công 15 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, đối thoại chính sách, pháp luật lao động, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động, Công tác bảo hộ lao động, Luật Công đoàn và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, thu hút trên 2.100 lượt người là cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý, chủ sử dụng lao động và NLĐ tham gia. Tại các hội nghị này, các đại biểu được phát tờ gấp những điều cần biết về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, được giải đáp thấu đáo khi có thắc mắc, được cung cấp số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại của Giám đốc BHXH tỉnh và một số viên chức quản lý các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh để được tư vấn, giải đáp thắc mắc, cung cấp thêm thông tin cần thiết. Công tác tuyên truyền đã tác động tích cực đến nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị sử dụng lao động, NLĐ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, góp phần thúc đẩy việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2012 - năm đầu thực hiện Quy chế phối hợp, tỉnh Kon Tum mới đạt 84,4% dân số tham gia BHYT thì đến cuối năm 2017 đã có 458.914 người, đạt 88,25% dân số, tăng 68.384 người (tương ứng  3,85%) so năm 2012, vượt 1,45% so với chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Kon Tum tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016. Bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ chính sách BHXH cho NLĐ được thực hiện kịp thời, đúng quy định, thủ tục được rút gọn. Trong 5 năm thực hiện quy chế phối hợp, BHXH toàn tỉnh đã giải quyết gần 44.500 lượt người hưởng chế độ BHXH. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 4.175.500 lượt người, với số tiền gần 1.100 tỷ đồng.

Hoạt động kiểm tra được hai ngành xác định là công cụ hữu hiệu cho việc giám sát  thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; xác định ý nghĩa quan trọng đó, hai ngành đã chủ động phối hợp với sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế và các đơn vị có liên quan thống nhất nội dung xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ và thanh tra, kiểm tra chuyên đề tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định chỉ đạo liên ngành thực hiện về công tác này. Ngoài thực hiện chương trình kiểm tra thường xuyên của mỗi ngành, trong thời gian từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, hai ngành đã phối hợp kiểm tra tại ngành Giáo dục, phát hiện một số đơn vị vi phạm chính sách BHXH, BHYT và đã đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo ngành chức năng chi trả tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo, đồng thời trích nộp hàng trăm triệu đồng tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Năm 2016 và 2017, thực hiện giám sát tại 43 đơn vị, doanh nghiệp theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Sau giám sát, đã có hàng trăm lao động được đoàn giám sát kiến nghị và được người sử dụng lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH và Bộ Luật Lao động. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Kon Tum tại Công văn số 287-TB/VPTU ngày 26/3/2013, hai ngành đã phối hợp rà soát, lên danh sách 354 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, gồm: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức nhiều cuộc kiểm tra trong nhiều năm. Sau kiểm tra, các doanh nghiệp đã cam kết và trả nợ, tình hình nợ đọng được cải thiện rõ rệt. Thay vì năm 2012 - năm đầu thực hiện quy chế phối hợp, nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chiếm 5,1 % kế hoạch thì đến cuối năm 2017 tỷ lệ nợ giảm xuống chỉ còn 2,79% - với tỷ lệ này, Kon Tum đã trở thành một trong số ít tỉnh có tỷ lệ nợ thấp so với bình diện chung trong cả nước. Nhiều doanh nghiệp đã thanh toán dứt điểm nợ và đóng nộp đầy đủ số tiền phát sinh trong kỳ, một số doanh nghiệp nợ đọng lớn, kéo dài cũng từng bước được khắc phục, tạo thuận lợi cho việc giải quyết hồ sơ chi trả các chế độ, đảm bảo quyền lợi của NLĐ trong tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, góp phần giảm thiểu tình trạng xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.Tháng 10/2016, LĐLĐ tỉnh và BHXH tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 06/QCPH-LĐLĐ-BHXH về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Từ những kết quả trên cho thấy, sự phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh và BHXH tỉnh đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, mang lại nhiều kết quả thiết thực cho NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế có thể kể đến đó là: công tác phối hợp tuyên truyền chưa được đẩy mạnh đến vùng sâu, vùng xa; số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp tuy có tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất ít. Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tuy có giảm so với trước nhưng vẫn còn ở tỷ lệ cao và diễn ra trên diện rộng. Việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH năm 2014 còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện được; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra liên ngành theo quy chế phối hợp được hai ngành thực hiện thường xuyên hàng năm, nhưng chưa nhiều...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành giữa hai cơ quan, thời gian tới cần tập trung các nội dung sau:

-Một: Chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân về công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để họ chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

-Hai là: Quan tâm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác hậu kiểm trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; có cơ chế khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

-Ba là: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hai ngành; đổi mới tác phong, lối làm việc và phong cách phục vụ đối tượng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, lấy sự hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT, làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả.

-Bốn là: Hàng năm sơ kết công tác phối hợp để kịp thời đúc rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại.

-Năm là: tiếp tục rà soát những nội dung còn vướng mắc trong thực tiễn, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

            Với những giải pháp nêu trên và bằng sự quyết tâm cao của lãnh đạo cùng toàn thể đội  ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hai ngành, chắc chắn thời gian tới công tác phối hợp sẽ đạt được nhiều bước tiến mới, tiếp tục bảo vệ có hiệu quả quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương, thúc đẩy tiến trình thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn năm 2012 - 2020.

Bài viết: ThS. Trần Văn Lực (Giám đốc BHXH tỉnh)
Số lượt xem:2321
Bài viết liên quan: